Muốn hiểu người khác, phải biết quên mình một tí. Chẳng có gì nguy hiểm cả : chẳng ai có thể quên mình luôn đâu ! Hiểu rồi, tức là tự mình có thể trình bày lại suy luận của tha nhân ngay với ngôn ngữ của chính nó – thế thì nó ít nhiều đã là mình – thì bắt đầu có khả năng đích thực phê phán nó. Muốn phê phán nó, bắt buộc phải lùi ra khỏi hệ suy luận của nó, lùi ra khỏi chính mình, nhìn hệ suy luận đang ở trong đầu mình ấy từ một thế nhìn khác. Thế nhìn khác ấy chỉ có thể là :
a/ thế nhìn và suy luận của một tác giả khác về cùng vấn đề.
b/ thế nhìn và suy luận của riêng mình dựa vào nghiệm-sinh cá-biệt của chính mình.
Tóm lại, muốn hiểu người khác, ta phải biết quên mình. Nhưng để tiêu hoá ý tưởng của người khác, giữ lại ở ta những gì đáng giữ và dẹp những thứ linh tinh không đáng vấn vương, ta lại phải biết nhớ mình. Muốn thực hiện được cả hai điều ấy, ta phải biết phủ định chính mình. Ta phủ định chính mình để đón nhận ở ta tư duy và nhục cảm của người khác. Rồi ta phủ định chính cái mình đã được người khác khiến nó phong phú thêm để khẳng định chính ta ở đời. Văn chương, văn học, triết học, văn hoá, nhân-giới phát triển như thế.
Hè hè...
2008-03-15