Khi Einstein đọc Descartes và Kant

Đọc thơ văn mãi, có lúc cũng thấy nhàm.

Tôi lại đọc quyển "Thuyết tương đối"[1] của Einstein. Mỗi lần đọc lại, tôi có cảm tưởng hiểu thêm một tí, có khi phát hiện điều… mới ! Chuyến này cũng vậy. Trong chương bàn về không gian, Einstein bình luận ý tưởng của Descartes và Kant như sau.

Như thế ta hiểu vì sao Descartes cảm thấy khó chịu nếu phải coi không gian như một hiện vật độc lập với những vật thể và có thể tồn tại ngoài vật chất [*]. (Điều ấy cũng không cản ông dùng không gian như một ý niệm cơ bản trong Hình học phân tích của ông[2]). Liếc qua không gian trống rỗng trong một "máy" phong vũ biểu có lẽ đã tước hết vũ khí [tranh luận] của những người cartésien cuối cùng. Nhưng ta không thể phủ nhận được rằng ngay ở mức [kiến thức] thô sơ ấy, coi ý niệm không gian như một hiện thực độc lập là điều khó chấp nhận.

[*] Kant đã tìm cách hủy bỏ sự khó chịu ấy khi ông phủ nhận tính khách quan của không gian ; ý tưởng của ông không mấy đáng coi là nghiêm túc.[3]

Như thế Descartes không sai lầm bao nhiêu khi ông thấy phải phủ nhân sự hiện thực của một không gian trống rỗng. Ý tưởng của ông có vẻ phi lý khi ta tin rằng chỉ có những vật thể có trọng lượng mới là hiện thực vật lý. Chỉ khi [người ta biết rằng] ý niệm trường (champ) cũng biểu thị một hiện thực, ghép với nguyên lý tương đối rộng, ý nghĩa đích thực của ý tưởng của Descartes mới lộ ra : không có một không gian "phi trường".[4]

Tôi đọc đi đọc lại Descartes khá nhiều lần. Thú thực, tôi chưa hề chú ý và thực sự hiểu những điều trên.

Đọc và hiểu Descartes tới mức này, thật là… hết chỗ nói. Có lẽ phải là một nhà vật lý lý thuyết cỡ Einstein mới biết đọc và hiểu như thế.

2011-04-22



[1] La physique, Les plus grands textes d'Empédocle à Einstein et Schrödinger, Le Nouvel Observateur & CNRS Éditions, 2010.

[2] Lý thú ! phđ

[3] On comprend que Descartes ait éprouvé de la répugnance à regarder l'espace comme un objet indépendant des objets corporels et pouvant exister sans la matière [*]. (Ceci ne l'empêcha pas d'ailleurs de traiter l'espace comme notion fondamentale dans sa Géométrie analytique). Un regard jeté sur l'espace vide d'un baromètre a probablement désarmé les derniers cartésiens. Mais on ne peut nier que déjà à ce stade primitif il paraît peu satisfaisant de considérer la notion d'espace comme un objet réel indépendant.

[*] La tentative de Kant de supprimer le malaise en niant l'objectivité de l'espace peut à peine être prise au sérieux.

Page 613.

 

[4] Descartes n'avait donc pas tellement tort quand il se croyait obligé de nier l'existence d'un espace vide. Cette opinion paraît absurde tant que les corps pondérables seuls sont considérés comme réalité physique. C'est seulement l'idée du champs comme représentant de la réalité, conjointement avec le principe de relativité générale, qui révèle le sens véritable de Descartes : un espace "libre de champs" n'existe pas. Page 628.