MotMauThuanKhongTheLoDuoc

Một mâu thuẫn không thể lờ được

Thể chế tư sản, còn gọi là thể chế dân chủ (démocratie, ít chục năm qua không ai dám dùng khái niệm démocratie bourgeoise, dân chủ tư sản, nữa, hè hè) chào đời với một mâu thuẫn nội tại : tự do bình đẳng về mặt chính trị, phi tự do và bất bình đẳng về mặt kinh tế. Đại khái thế này :

1/ về mặt chính trị

One man, one vote (một người, một lá phiếu), tự do (bỏ phiếu kín), bình đẳng (mọi lá phiếu giá trị như nhau). Nhưng bầu xong rồi, trời mới biết được lá phiếu của mình có khả năng thực hiện hoài bão của mình chăng, tới mức nào. Dân chủ hình thức nghĩa là thế.

2/ về mặt kinh tế

A/ về mặt hình thức, với tư cách người lao động và người tiêu thụ

a/ anh hoàn toàn tự do : anh muốn làm cho tôi thì làm, không thì thôi, không ai cưỡng ép anh cả.

b/ anh với tôi hoàn toàn bình đẳng : điều kiện hợp tác giữa chúng ta thể hiện qua một hợp đồng lao động giữa hai cá nhận tự do và bình đẳng : anh thích thì nhận, không thích, đi chỗ khác chơi.

c/ anh muốn mua gì ở đâu với giá nào thì mua, không ai ép anh cả.

B/ về quan-hệ thực tế ở đời thì khác

a/ tôi nắm hết phương tiện sản xuất, do chính anh và những người như anh tạo ra, trong tay. Ngoài chúng, khả năng lao động của anh chẳng có giá trị gì cả vì anh không thể sản xuất ra bất cứ gì ; anh không thể bán sức lao động của anh cho ai khác tôi và những người như tôi. Anh tự nguyện ký hay không ký hợp đồng, cho tôi biết ngay.

b/ tôi và những người như tôi nắm hết phương tiện thu mua và phân phối bán trên thị trường trong tay. Anh muốn mua với giá chúng tôi quy định thì mua, không mua thì thôi, không ai ép cả. Dĩ nhiên, nếu anh còn thời giờ, anh vẫn có thể mua cùng một món hàng với giá rẻ hơn một tí. Rẻ hơn bao nhiêu ? có thể giải quyết vấn đề tiêu thụ hàng ngày của anh không ? Anh cứ đi đổ xăng thì biết.

C/ cuối cùng

Anh muốn tạm thời tiếp tục sống bằng lao động của anh thì anh bán sức lao động cho tôi với giá rẻ nhất do tôi quy định và anh tiêu thụ hàng hoá của tôi theo giá cao nhất do tôi quy định. "Tôi" ở đây, không là anh tư bản cá nhân mà là giai cấp tư bản "tự do" cạnh tranh với nhau trong thị trường toàn cầu hoá. Món đó gọi là "kinh tế thị trường" đương nhiên là tự do.

Thế nào đi nữa, anh chỉ có thể đi xuống, hoặc ăn mày hay chết đói, Marx dixit, anh cứ thoải mái tự do lựa chọn.

"Thị trường" muôn năm ! Tự do và bình đẳng muôn năm ! Thể chế dân chủ muôn năm !

Cho tới ngày đại bộ phận nhân loại không chấp nhận nữa…

2012-03-28