Nước Mỹ trước khi Donald Trump lên ngôi : báo hiệu khủng hoảng toàn diện

http://www.lemonde.fr/grands-formats/visuel/2017/01/20/economie-declassement-violences-les-chiffres-clefs-derriere-l-arrivee-au-pouvoir-de-trump_5066006_4497053.html

 

Khuynh hướng chung, dài hạn của phương-thức-sản-xuất tư-bản ngày nay ở các nước tư-bản phát triển ở Tây Âu.

Đơn vị đo lường thời gian : không phải một mùa tổng thống, thủ tướng, quốc hội, mà là 10-15 năm, từ khi khối "xã hội chủ nghịa " tự sụp đổ.

Nhịp độ phát triển : càng ngày càng nhanh, càng rộng, càng bệnh hoạn, càng tồi tệ.

Từng lúc, có thể có mẹo chính trị để cưỡng lại, trì hoãn, nhưng lâu dài, nói chung : bất khả kháng. Ý nghĩa đích thục của khái niệm "khủng hoảng của một phương-thức-sản-xuất", khủng hoảng văn minh của một thời đại, là thế.

Cuộc khủng hoảng lần này của phương-thức-sản-xuất tư-bản khác những cuộc khủng hoảng trước (công nghiệp "thô sơ" - tiểu kinh doanh - quản lý thủ công ; đại công nghiệp hiện đại - kinh doanh lớn - quản lý cao cấp ; tự động hoá ; tin học hoá, tri thức hoá), ở 3 điểm : 

1/ Thế giới đã và đang nhập vào hai thị trường cốt lõi của phương-thức-sản-xuất tư-bản : 

a- thị trường hàng hoá toàn cầu dưới sự điều hành của OMC, một cơ chế đa quốc gia, cũng có nghĩa là đầy mâu thuẫn, hè hè. Cơ chế này chỉ có thể "hoàn chỉnh" khi nó nằm dưới quyền thống trị của tư-bản-tài-chính toàn cầu. Tuy còn "xa vời" nhưng hoàn toàn không hão, đời ta chắc chắn không được thấy, nhưng đời con hay cháu, ai dám nói không ? Lúc đó, các quốc gia vẫn còn, nhất là trong tình cảm và đầu óc của bàn dân từng nước, thậm chí từng "dân tộc", dưới đủ thứ thể chế chính trị, từ dân chủ nhất tới độc tài toàn trị nhất, nhưng quyền lực chính trị đich thực năm trong tay ai thì… hè hè. Cứ coi European Union hai-ba chục năm qua thì thấy.

b- thị trường sức lao động toàn cầu. Nó đã hình thành từ lâu, càng ngày càng áp đảo. Hiện nay nó còn trực thuộc quyền lực chính trị của các quốc gia. Đó là ràng buộc có khi chướng tai gai mắt đối với anh tư-bản. Tuy vậy hình thái đó lắm lúc rất tiện : khai thác sức lao động của những chợ người vô thiên vô pháp vô nhân không những rẻ hơn mà bớt phiền toái hơn là khai thác nó ở những nước chằng chịt luật lệ bảo vệ người làm công như ở các nước tư-bản Tây Âu. Có anh tư-bản nào lại không mê sức lao động rẻ tiền và ngoan ngoãn (không ngoan ông Nhà Nước đánh  bỏ mẹ ! ) ở Việt Nam và Trung Quốc ? Hô hào tự do, dân chủ, nhân quyền cho vui vẻ cả nhà, nhất là nhà mình, nhưng nhào zô nhào zô thì không thể chờ được. Dù sao, trong thực tế, thị trường sức lao động toàn cầu cơ bản đã hiện thực. Ngày nay, gián tiếp hay trực tiếp, ai có tiền muốn mua ồ ạt sức lao động ở bất cứ nước nào cũng mua được, lại còn được đội ơn : tạo công ăn việc làm cho kẻ đang chết đói.

Thị trường này chỉ có thể "hoàn chỉnh" khi nó nằm dưới quyền thống trị của các anh chị tư-bản sản xuất – kinh doanh trong một cơ chế siêu quốc gia. Điều ấy đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với thị trường hàng hoá toàn cầu. Coi EU thì thấy nó từ từ phát triển khó khăn ra sao.

2/ Kinh tế toàn cầu, cơ bản, đã nằm dưới sự thống trị của tư-bản-tài-chính và tư-bản-tài-chính là hình thái trừu tượng nhất, không thể phổ cập (universel) hơn của tư-bản (Engels) : 

Tiền → Tiền + Tiền' ; Tiền ' > 0

(Engels dùng khái niệm valeur (giá-trị) thay vì tiền, chính xác hơn. Nhưng thôi, đây không phải một bài suy luận kinh tế học, dùng khái niệm Tiền cũng được, không sai bao nhiêu và dễ hiểu hơn).

Muốn định nghĩa thật chính xác phải ghi rõ thêm (vì những hình thái của tư-bản là những universel concret[1] (Hegel)) : 

→ : phương-thức-sản-xuất tư-bản = xuyên qua 2 thị trường nói trên và quan hệ bình đẳng trước pháp luật giữa những con người tự do khi ký hợp đồng lao động, mua công người khác làm lời cho mình.

Đó là nét đặc thù của phương thức bóc lột tư-bản mới chỉ xuất hiện ở đời khoảng 300 năm nay. Không đơn thuần là cho vay lấy lời đã có từ muôn thuở.

Tiền, ai cũng biết, không có mùi, kể cả mùi đĩ và mùi máu. Quan trọng hơn, nó không có tổ quốc. Dollar còn có thể coi là tiền Mỹ, Euro thì chẳng của riêng nước nào cả. Nó là một hình thái tiền siêu quốc gia, do một cơ quan siêu quốc gia không do ai bầu, độc lập với các Nhà nước của EU, điều khiển. Cuối cùng, ký một nhát, tiền biến ngay từ hình thái này qua hình thái khác. Anh tư-bản-tài-chính càng như thế. Gần 50% cổ phiếu của 40 hãng tiêu biểu cho kinh tế PhuLăngxa (CAC 40) thuộc quyền sở hữu của người ngoại quốc. Bảo họ, vì yêu tổ quốc PhuLangXa mà hy sinh chịu "thiệt", dù tí ti thôi, là chuyện hão : nhiều khi những ông chủ ấy không biết tiền của mình đang nằm ở đâu !

Mâu thuẫn giữa tư-bản-tài-chính toàn cầu hoá và chủ nghĩa quốc gia đã bước vào giai đoạn không thể hoà giải được. Cuộc đấu đá này sẽ có rất nhiều bước thăng trầm kể cả dưới hình thái mâu thuẫn quyết liệt tàn khốc giữa các quốc gia vì bản thân anh tư-bản-tài-chính vẫn chưa biến thành một giai cấp toàn cầu hoá hoàn chỉnh. Nhưng cuối cùng, hoặc nền văn minh tư-bản tan nát, hoặc tư-bản-tài-chính, trong tư cách một giai cấp hoàn chỉnh ở mức toàn cầu, sẽ thống trị một cách thống nhất tất cả các quốc gia (tuy giữa những thành viên của nó vẫn có cạnh tranh trong một khoảng thời gian nào đó) như anh tư-bản công nghiệp đã từng làm trong từng quốc gia Tây Âu ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 và… hiện nay.

3/ Với Donald Trump, anh tư-bản-tài-chính Mỹ công khai trực tiếp nắm chính quyền tại nước tư-bản tiêu biểu nhất trong lịch sử phát triển phương-thức-sản-xuất tư-bản.

D. Trump phất ngọn cờ "America first", đã thắng cử và bắt đầu thực hiện chính sách đó. Để xem, cuối cùng, ở ông, America nghĩa là gì và ông giải quyết được hay không cuộc khủng hoảng kéo dài của nền kinh tế – xã hội – ý thức hệ Mỹ. Để xem D. Trump cơ bản là con người nào : anh tỷ phú tư-bản không ngại thuê sức lao động ở Trung Quốc để làm giàu, phục vụ tư-bản-tài-chính Mỹ và chính mình, hay người phục vụ bàn dân ở Mỹ.

2017-01-30



[1] Khái niệm lôi thôi của Hegel. Universel = phổ cập, trong nghĩa ai ai cũng hiểu và chấp nhận mãi mãi. Concret = cụ thể.

PHĐ bình luận : Muốn cho ai ai cũng hiểu và chấp nhận mãi mãi thì phải tuyệt đối trừu tượng, trừu tượng đến mức ai muốn hiểu gì thì hiểu, do đó ai cũng OK ! Đã cụ thể thì phải cá biệt trong không-thời gian, cực kỳ khó hiểu, rắc rối. Thí dụ : Tình Yêu là một universel, ai mà chẳng hiểu và chấp nhận mãi mãi ? "Anh yêu em" là một concret, bố ai hiểu nổi, kể cả anh ! Thế mà ở kiếp người, cả hai đều thật. Xin chớ hỏi tôi universel concret là gì, khiến tôi phải chạy mặt lối suy luận biện chứng hình thức của Hegel, đi tìm cụ duy vật biện chứng. Hè hè.

Ở đây nên hiểu như sau. Phương-thức-sản-xuất tư-bản có chung một nguyên lý nhưng xuyên qua sự vận động lịch sử của nó, nó đã từng khoác nhiều áo ngoài, nhiều hình thức cụ thể đặc thù. Thí dụ : một mớ tiền hay một đống đồ vật đều có thể là hình thái hiện thực của tư-bản. Khi hai hình thái đó chia lìa nhau thì… ô hô ai tai. "Phân tích cụ thể một tình hình cụ thể" (Lénine định nghĩa phương pháp suy luận biện chứng) khó ở đó.