Óc não của ta và ta

Óc não của ta và ta

http://www.lemonde.fr/planete/article/2011/09/27/des-scientifiques-sur-le-point-de-lire-dans-les-pensees-d-autrui_1578139_3244.html

Dường như các nhà khoa học đã thử nghiệm được điều này : cho ba người nhìn phim ảnh (một hiện tượng "thuần" vật chất), đồng thời ghi nhận, đo đếm sự vận động của một phần óc não của họ (một hiện tượng có thêm sinh tính), mô hình hoá những quá trình ấy để tái tạo những hình ảnh, còn lu mờ nhưng đủ xác tín, đã hình thành trong "óc não" của họ.

Thế nghĩa là gì ? Nghĩa là, với kiến thức hiện nay về vật lý – hoá học và sinh học, người ta đã bắt đầu tìm hiểu, một cách khoa học, khả năng hình-ảnh-hoá vật-giới của sinh-vật, một quan-hệ cơ bản giữa sinh-thể với vật-thể. Ghẹo Kant một tí : khả năng "biến" vật-thể-tự-nó thành "hiện tượng" (phénomène), thành quan-hệ giữa sinh-thể với vật-thể.

Phải chi Trần Đức Thảo được biết tới những thành quả này của khoa học… Chắc chắn, chúng sẽ kích thích ông tiến xa hơn nữa trong đam mê tìm hiểu con người của ông.

Sự kiện trên khiến tôi nhớ một luận điểm của Engels (hoặc của Marx, tôi không nhớ rõ, Tuổi già hạt lệ như sương ấy mà) : ngày nào khoa học hiểu rõ sự vận động của khối óc, ngày ấy triết học cáo chung[1]. Chẳng ai có thể đam mê và tin tưởng khả năng hiểu biết một cách khoa học của con người như hai triết gia này[2]. Thuở ấy, gần nửa thế kỷ rồi, tôi cũng tin vậy, ao ước tôi sẽ được chứng kiến điều ấy, đam mê đọc những thông tin khoa học mà các nhà khoa học viết cho kẻ ngoại đạo "biết". Tin đến mức ngờ vực cả "tình yêu", hè hè… Nhưng cuộc đời đểu giả đã khiến tôi suy nghĩ khác đi một tí.

Thử nghiệm trên có thể cho ta thấy, một cách khá mù mờ, một hình thái vận động thuần vật chất biến thành một hình thái vận động sinh học như thế nào : những tia sáng đập vào con ngươi, tác động vào một số neurones khiến chúng phản ứng, tạo ra những tương tác "nhất định" trong hệ thống neurones ở một vài bộ phận của bộ óc, tạo ra hiện tượng cảm nhận hình ảnh. Thế thôi. Nhưng để thực hiện thử nghiệm trên, ta cần có kiến thức khoa học và phương tiện kỹ thuật tương xứng. Khoa học không có trong tự-nhiên, nó là sáng tác đặc thù người, là một bộ phận cơ bản của văn hoá.

Thế thì quan-hê giữa văn-hóa với vật-giới và sinh-giới vận động như thế nào ? (miễn hỏi là gìvì sao ?)

Xin chịu thua. Khả năng và đời từng người đều có hạn. Mãi mãi, Tuổi già hạt lệ như sương. Đành lang thang chữ nghĩa vậy. Hè hè…

2011-09-27



[1] Không khác quan điểm của Jean-Pierre Changeux trong L'homme neuronal bao nhiêu.

[2] Marx có làm luận án triết học. Engels thì, hỡi ơi, chẳng có bằng cấp gì cả, trong bất cứ lĩnh vực kiến thức nào.