Văn hoá Đông – Tây trọng dụng nhân tài
Bạn bảo ta :
> Xã hội phương Đông là xã hội của cấp bậc, và tuổi tác. Xã hội phương Tây là xã hội của tài năng, của bình đẳng và nhân cách.
** Nếu ta nhìn quá trình phát triển trong lịch sử của xã hội phương Tây (Châu Âu, không kể Mỹ có một lịch sử ngắn và đặc biệt khiến nó ít vướng víu di sản của xã hội phong kiến Châu Âu) và xã hội Việt Nam, có những điều cơ bản như nhau.
Trong thời "phong kiến", tuy hai loại phong kiến này rất khác nhau, cả hai xã hội đều "là xã hội của cấp bậc", trong đó ở mọi thành phần thì người già đều được kính nể, có thể vì, ngoài kinh nghiệm sống và kiến thức, họ nắm… tiền và quyền lực !
Trong xã hội Việt Nam, cũng có lúc nhân tài "được trọng dụng", khi… "tổ quốc lâm nguy". Sau đó, nếu không thuộc gia tộc lớn thì bị… làm thịt, (thời hậu Lê). Sau 1975, cũng lắm nhân tài thời chiến, trong đủ thứ lĩnh vực, tuy không bị "làm thịt" kiểu phong kiến Mao, cũng bị về vườn kiểu Ziao Chỉ. Cứ coi thân phận của ông Võ Nguyên Giáp thì thấy.
Những xã hội Nhật, Singapore, Đài Loan, Nam Hàn đều là xã hội phương đông. Ngày nay, họ đâu tệ như Việt Nam ?
** Chỉ với cách mạng tư sản thì những xã hội như Pháp mới thay đổi nền tảng giá trị : tiền, tự do, bình đẳng ; tài năng và nhân cách. Lúc đó, ít nhất trong các từng lớp có học, thường là tư sản và tiểu tư sản, nhưng cũng có lắm người xuất thân quý phái, nó đã thừa hưởng những cuộc "cách mạng tư tưởng" của thế kỷ 18 ở Châu Âu.
"Tiền, tự do, bình đẳng" là ý thức hệ cơ bản, cần thiết của phương thức sản xuất tư bản (Marx, bình luận về Liberté, Égalité, Fraternité của Pháp trong Tư bản luận).
Tài năng, đặc biệt là khoa học, kỹ thuật, kỹ năng, kinh doanh và quản lý, là những đòn bẩy cơ bản để tăng năng suất của sức lao động và, qua đó, tăng tỷ lệ lời, tạo và chiếm hữu giá trị siêu thặng dư, chinh phục thị trường xuyên qua cạnh tranh tự do (lại Marx). Do đó, trong quá trình phát triển kinh điển, chủ tư bản sáng suốt, rất khác quan lại Ziao Chỉ ngày nay, rất quý tài năng thiết thực của cá nhân. Ngày này, với sự thống trị của tư bản tài chính, không hẳn như thế nữa, thằng giỏi sản xuất, quản lý hay buôn bán "lương thiện" không bằng thằng giỏi lừa dối, cứ coi hedge funds thì thấy.
Còn nhân cách, theo tôi, cơ bản là di sản của tư tưởng "Khai sáng" với niềm tin của nó vào Sự Thật Khoa Học, Khách Quan, vào Sự Tiến Bộ của xã hội và loài người dựa vào sự phát triển của Khoa Học.
Với ý thức hệ tư bản "nguyên chất", đó là chuyện hão : chỉ có tiền (lời) mới quan trọng và tiền không có mùi, kể cả mùi khoa học, mùi máu hay mùi tình ! Hè hè…
Trong thế kỷ 20, Việt Nam vừa mới tiếp cận văn hoá Pháp, lại xuyên qua chế độ thực dân, đã lâm vào tình hình chiến tranh suốt 30 năm trời. Độc lập rồi, chưa có công nghiệp cho ra hồn, chưa có giai cấp tư bản, giai cấp công nhân đích thực, đã nhảy vào xây dựng "chủ nghĩa xã hội" dưới chế độ chuyên chính của… giai cấp công nhân ma ! Thực tế, Việt Nam, xuyên qua chiến tranh, Cải cách ruộng đất, Nhân văn Giai phẩm, Chống xét lại, e tutti quanti, đã ôm xã hội phong kiến Ziao Chỉ mục nát nhảy vào thời hiện đại, bước đầu, dưới sự lãnh đạo của những con người tuy đủ can trường và lý trí để hiểu được một số mâu thuẫn chí tử của chủ nghĩa tư bản và đế quốc (cảm ơn Marx) và chiến thắng nó, nhưng không hiểu nổi, cũng theo Marx, vì sao, trong lịch sử tiến hoá của loài người, chúng đã phát triển tới mức thống trị được cả thế giới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và văn học.
Cuối cùng, văn hoá của những người thừa kế họ nắm quyền hành sau chiến tranh, vẫn là văn hoá của quan lại Tàu qua lăng kính quan lại Ziao Chỉ. Cứ nhìn phong cách ứng xử của các quan lớn thì thấy. Một vị phó thủ tướng, cựu bộ trưởng bộ Giáo Dục – Đào Tạo, công khai sờ đùi một nhà khoa học lớn[1], tặng bút của mình[2], giúi thư của đại gia nào đó tặng nhà cửa ! Ở thế kỷ 21, phong cách văn hoá như thế, hỡi ơi ! "Trọng dụng" nhân tài kiểu ấy, chấn hưng nền giáo dục bầy nhầy của Việt Nam thế quái nào được !
Đương nhiên, tôi nói về đa số những kẻ nắm quyền lực, từ trên xuống dưới, lớn và nhỏ, không nói tới những người có học, có văn hoá, có tài năng, lương tri đầy đủ và sâu sắc hơn : họ đã không đủ đông, lại không biết nắm giữ quyền lực khi nó nằm trong tay họ và hầu hết đã bị loại, không có vai trò quyết định trong thời bình.
Với guồng máy quyền lực kiểu quan lại kia, một vài cá nhân lãnh đạo tài năng đến mấy cũng chẳng thể lật được thế cờ. Văn hoá Ziao Chỉ hiện nay nó thế. Thật đáng buồn. Chưa đáng nản.
Có lẽ người Việt hôm nay không nên chờ đợi lãnh đạo biết trọng dụng nhân tài mà nên tự hỏi : có cách nào khiến cho nhân dân Việt Nam chấm dứt "trọng dụng" những lãnh đạo bất tài kém đức chăng ?
2010-09-02 / 30