Ðố vui về chủ nghĩa cộng sản
Triết, số 2, 1996/06
Năm 1844, trên thế giới chưa hề có một chế độ xã hội tự xưng là xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa. Thế mà có một tác giả đã mô tả chính xác và phê phán sâu sắc một vài nét đặc thù của các chế độ "cộng sản" hình thành trong thế kỷ 20. Ðố bạn đọc, tác giả ấy là ai ?
Ðể thêm phần vui, trong bản dịch tiếng Việt, tôi chú thích nhiều từ, nhiều câu với ý sau : muốn hiểu một tác giả cỡ ấy, ta không thể chỉ dựa vào một vài câu, vài khúc, vài đoạn văn trong một tác phẩm, phải đeo đuổi quá trình suy luận của người đó trong hành trình tư tưởng của nó. Tìm hiểu một con người có khả năng phát hiện và làm sáng tỏ những điều mới của một thời đại là một quá trình đằng đẵng.
Trong đoạn văn sau, những đoạn gạch đít do TÐ. Những đoạn viết nghiêng, sẵn vậy trong nguyên tác.
« Le communisme, enfin, est l'expression positive de la propriété privée abolie, et en premier lieu de la propriété privée générale. En saisissant ce rapport dans son universalité, le communisme
1. n'est sous sa première forme qu'une généralisation et un achèvement de ce rapport; en tant que rapport achevé, il apparaît sous un double aspect : d'une part la domination de la propriété matérielle est si grande vis-à-vis de lui qu'il veut anéantir tout ce qui n'est pas susceptible d'être possédé par tous comme propriété privée ; il veut faire de force abstraction du talent, etc. La possession physique directe est pour lui l'unique but de la vie et de l'existence; la catégorie d'ouvrier n'est pas supprimée, mais étendue à tous les hommes; le rapport de la propriété privée reste le rapport de la communauté au monde des choses. [...]
Ce communisme – en niant partout la personnalité de l’homme – n’est précisément que l’expression conséquente de la propriété privée, qui est cette négation. L’envie générale et qui se constitue comme puissance est la forme dissimulée que prend la soif de richesse et sous laquelle elle ne fait que se satisfaire d’une autre manière. L’idée de toute propriété privée en tant que telle est tournée tout au moins contre la propriété plus riche, sous forme d’envie et de goût de l’égalisation, de sorte que ces derniers constituent même l’essence de la concurrence. Le communisme grossier n’est que l’achèvement de cette envie et de ce nivellement en partant de la représentation d’un minimum. Il a une mesure précise, limitée. À quel point cette appropriation privée est peu une appropriation réelle, la preuve en est précisément faite par la négation abstraite de tout le monde de la culture et de la civilisation, par le retour à la simplicité [IV] contraire à la nature de l’homme pauvre et sans besoin, qui non seulement n’a pas dépassé le stade de la propriété privée, mais qui n’y est même pas encore parvenu.
Cette communauté ne signifie que communauté du travail et égalité du salaire que paie le capital collectif, la communauté en tant que capitaliste général. Les deux aspects du rapport sont élevés à une généralité figurée, le travail devient la détermination dans laquelle chacun est placé, le capital l'universalité et la puissance reconnues de la communauté.[1] »
« Chủ nghĩa cộng sản, rốt cuộc, là sự giải thể quan hệ tư hữu biểu diễn dưới dạng dương[2], và trước hết tư hữu chung[3]. Khi nó hiểu quan hệ đó trong tính chung phổ cập nhất, chủ nghĩa cộng sản
1. dưới hình thái ban đầu của mình, chỉ là sự tổng quát hoá và kiện toàn hoá quan hệ ấy; với tính cách quan hệ tư hữu kiện toàn, nó hiện lên dưới hai bộ mặt : một mặt, sự thống trị của quyền tư hữu vật chất[4] đè nặng lên nó tới mức nó muốn tiêu diệt tất cả những gì có thể thoát khỏi tầm tư hữu của mọi người[5]; nó muốn ép buộc tài năng[6], v.v. thành ảo ảnh[7]. Ðối với nó, sự chiếm hữu vật chất một cách trực tiếp là mục đích duy nhất của sự sống, của kiếp người; nó không tiêu diệt thân phận làm công[8], nó quàng thân phận ấy vào mọi người; quan hệ giữa cộng đồng người với thế giới của đồ vật[9] vẫn (chỉ) là quan hệ tư hữu. [...]
Thứ chủ nghĩa cộng sản đó - thông qua sự phủ định nhân cách của con người ở mọi lĩnh vực - chỉ là và chính là hậu quả nhất quán của của quan hệ tư hữu, quan hệ phủ định nhân cách ấy[10]. Sự ganh ghen toàn diện trở thành một lực lượng, thành mặt nạ của sự thèm khát của cải và hình thái thoả mãn sự ganh ghen ấy bằng một cách khác. Sự thèm khát sở hữu tất cả dưới hình thái tư hữu[11], chí ít chĩa mũi nhọn vào kẻ giàu hơn, dưới hình thái ganh ghen và sở thích bình đẳng, do đó sự ganh ghen và nhu cầu bình đẳng trở thành bản chất của sự cạnh tranh. Chủ nghĩa cộng sản thô tục chỉ là kết quả hoàn chỉnh của sự ganh ghen và sự san bằng ở mức tối thiểu đó. Nó có thước đo chính xác, giới hạn[12]. Một sự chiếm hữu như thế hão huyền tới mức nào, điều đó được minh chứng một cách chính xác qua sự phủ định trừu tượng cả thế giới văn hoá và văn minh, để trở về sự đơn sơ [IV] phi tự nhiên của con người nghèo không có nhu cầu[13], một thứ người không những chưa vượt qua trình độ của tư hữu, mà con chưa hề đạt tới trình độ đó.
Cái cộng đồng ấy chỉ có nghĩa là cộng đồng lao động và sự bình đẳng chỉ ở đồng lương do tư bản tập thể trả, cộng đồng trong tư cách tư bản tổng thể. Hai bộ mặt của quan hệ (sản xuất tư bản) đều bị nâng lên thành biểu tượng tổng quát[14], lao động[15] biến thành tính quyết định bản chất của mọi người, và tư bản biến thành bản chất chung, phổ cập[16] và quyền lực của cộng động, được mọi người thừa nhận. »
Trần Ðạo
3-1996
© Copyright Phan Huy Ðường, 1996
[1] Marx - Engels, études philosophiques, Éd. Sociales, 1974, p. 32. Manuscrits de 1844.
[2] dương trong nghĩa "+" đối lập với "-", khẳng định đối lập với phủ định, trong lý luận biện chứng. Theo Engels, trong Dialectique de la Nature, Éditions Sociales, 1973, phát biểu như thế cho tiện trình bầy, dương (+) và âm (-) không có ý nghĩa đặc biệt. Tuy vậy, cũng có nơi, Marx và Engels nói rằng cực âm dung dưỡng khuynh hướng mới của sự vận động trong nghĩa nó sẽ làm cái đã có, cái cũ, tiêu vong. Cực âm sẽ trở thành hình thái được khẳng định (biến thành cực dương, cực thống trị) trong tương lai. Trong mâu thuẫn giữa tư bản và lao động thuê, tư bản là cực dương (khẳng định) và lao động thuê là cực âm (phủ định). Có lẽ vì thế, một cách rất "tự nhiên", người ta gọi hình thái xã hội ấy là "xã hội tư bản", chưa ai kiến nghị cho nó tên "xã hội làm thuê" tuy tư bản và lao động thuê luôn luôn đi đôi với nhau và số người làm thuê đông hơn số người tư bản. Phủ định tư bản biểu diễn dưới dạng âm là phủ định thực thụ, bảo toàn những tiến bộ mà quan hệ sản xuất tư bản đã mang lại trong lịch sử phát triển lực lượng sản xuất và tạo quan hệ sản xuất mới phù hợp hơn để tiếp tục phát triển lực lượng sản xuất. "Phủ định" tư bản biểu diễn dưới dạng dương là phủ nhận quan hệ sản xuất đó một cách hình thức, tượng chưng, vừa tuyệt đối hoá nó một cách trừu tượng, vừa giữ nguyên nội dung đặc thù của nó dưới những tên khác. Dịch từ "abolie" bằng "giải thể" trong ý : giản tán quan hệ tư ban - làm thuê có thực, nhưng không thay vào đó một quan hệ sản xuất mới, để hai cực tồn tại lửng lơ.
[3 ] générale : chung chung nhất, tổng quát, phổ cập. Mọi quan hệ chiếm hữu, lấy cho riêng mình.
[4] sự thống trị của con người đối với con người dựa trên quyền tư hữu sản phẩm vật chất của xã hội.
[5] tất cả những gì chỉ có thể là sở hữu của một người hay một nhóm người, thí dụ : khả năng làm thơ, vẽ tranh, phổ nhạc, viết văn đẹp, nấu ăn ngon, thưởng thức rượu nồng... Sau này Marx gọi là propriété personnelle, appropriation personnelle, sở hữu, chiếm hữu riêng tư dựa trên năng khiếu và lao động của chính mình. Tư hữu (propriété privée, appropriation privée) là quan hệ chiếm đoạt đối với người khác, tước đoạt quyền sở hữu của ngưới khác trên một cái gì mình dành riêng cho mình : cái gì của tôi không còn là của anh. Do đó, một mặt, quan hệ này chỉ thực thi trong quan hệ giữa người với người thông qua đồ vật. Chúng ta có thể chiếm đoạt tiền của, không thể chiếm đoạt tình cảm, tâm hồn của người khác. Mặt khác, đồ bị chiếm đoạt phải là của người khác, ít nhất ở tính xã hội của nó (và đây mới là nội dung cơ bản của quan hệ tư hữu tư bản). Khi ta hớp một ngọn gió, ta không chiếm đoạt gì của ai. Ta chiếm đoạt một cái áo của người khác làm của riêng của mình ; hành động ăn cắp, ăn cướp này không thuộc phạm trù kinh tế "tư hữu"; do đó Marx đã vạch rõ tính sai lầm của khẩu hiệu của Prudhon : "La propriété, c'est le vol", "Tư hữu là ăn cắp", và khẳng định : quan hệ tư hữu là quan hệ bóc lột dưới hình thái khai thác sức lao động. Ta tư hữu một nhà máy, cung điện Louvre, những hiện vật tự nó đã có tính xã hội, về làm của riêng. Ý câu này là : người "vô sản" vì bị quyền tư hữu của người khác tước đoạt quyền sở hữu của mình trên những phương tiện sản xuất của xã hội do mình góp phần tạo ra và, do đó, mất luôn cả quyền làm người tự do và bình đẳng đối với mọi người trong xã hội, nên muốn thành lập quyền tư hữu (sở hữu dưới dạng tư hữu) của mọi người trên mọi sự. Vì thế nó muốn tiêu diệt tất cả những gì không thể trở thành tư hữu của mọi người.
[6] của cá nhân
[7] faire abstraction : coi như không có thực, không đáng kể, không đáng tính tới.
[8] catégorie d'ouvrier : phạm trù công nhân. Ở đây ám chỉ tính chất (hình thái) công nhân của con người.
[9] có thể hiểu, theo ngôn ngữ của Marx sau này : quan hệ sở hữu ở nó vẫn chỉ là quan hệ tư hữu giữa cộng đồng người và thế giới đồ vật. Ðoạn sau, khi Marx vạch sự khác biệt giữa "tư hữu" và "chiếm hữu thực thụ" cũng cho phép ta hiểu như vậy.
[10] Năm 1843-44, vì bế tắc trước một vấn đề luật và kinh tế, Marx đọc lại và phê phán một cách hệ thống tác phẩm Philosophie du Droit, (cơ sở) Triết lý của Luật Pháp, của Hegel. Lúc ấy, tư tưởng của ông chưa hình thành một cách hoàn chỉnh, phần kinh tế học (còn nhẹ) và phần xã hội học chưa thống nhất với nhau, chưa thống nhất với phần triết học. Do đó, câu văn của ông thời ấy còn nặng hình thái trình bầy của Hegel, có đoạn chưa rõ ràng như trong các tác phẩm sau này. Về mặt triết học, kết quả đầu tiên của hành trình tư tưởng này là XI luận đề về Feueurbach. Kết quả cuối cùng là Tư Bản Luận. Về mặt lý luận, cùng một mạch, lý luận biện chứng duy vật. Về mặt kiến thức, đặc biệt kiến thức kinh tế học, các tác phẩm sau có trọng lượng hơn, rõ nghĩa và chặt chẽ hơn. Những từ ngữ cơ bản cũng chính xác hơn, được định nghĩa phân minh. Ðặc biệt, khái niệm tư hữu, chiếm đoạt (propriété privée, appropriation privée) được phân biệt rõ ràng với khái niệm sở hữu, chiếm hữu riêng tư (propriété, appropriation personnelles). Từ privé cùng gốc với động từ priver, danh từ privation, cắt đi, xén mất, tước đoạt quyền thụ hưởng của người khác. Thí dụ : priver quelqu'un de riz, cắt phần cơm của một con người. Privation : sự túng thiếu. Văn phong sau này cũng rành rõi hơn, tuy vẫn bị cấu trúc lôgíc hình thức của ngôn ngữ thời ấy ràng buộc. Do đó, dùng những tác phẩm sau soi sáng những tác phẩm trước khiến ta dễ hiểu những câu văn hơi nhập nhằng trong những tác phẩm triết học ban đầu (đời sau, có người gọi là tư tưởng của Marx thời trẻ và coi như một hệ tư tưởng độc lập với những tác phẩm sau của ông). Ngược lại, dùng những lập luận triết học của thời điểm mà bản thân Marx và Engels, cho đến cuối đời, vẫn coi như thời điểm hình thành học thuyết chung của họ, giúp ta tiếp cận những khái niệm kinh tế học của Marx đúng theo lối suy luận biện chứng duy vật của ông.
Trên cơ sở đó, nghĩa câu này là : quan hệ tư hữu phương tiện sản xuất phủ định nhân cách của người lao động, biến nó thành một công cụ sản xuất (sức lao động thuộc lực lượng sản xuất như những phương tiện sản xuất khác). Chủ nghĩa cộng sản là sự phủ định của phủ định đó. Chính vì thế hình thái thô tục (tự nhiên, thiếu văn hoá, thiếu học thức) của nó là biến thân phận đương thời của người "vô sản" thành thân phận chung của cả xã hội, đòi hỏi bình đẳng ở mức thấp hèn nhất về mọi mặt, mức sinh tồn.
[11] Câu văn này hết sức nhập nhằng ngay trong tiếng Pháp. Có thể diễn giải nhiều cách. Ðặt trong bối cảnh của cả đoạn văn và trong sự phát triển sau này của tư tưởng của Marx, đặc biệt sau khi quan điểm triết học kia có được nền tảng kinh tế chính trị học, tôi đề nghị lối hiểu như tôi dịch.
[12] Thước đo ấy là thân phận của người "vô sản" trong thế giới tư bản. Những đường lối "vô sản hoá" của các đảng cộng sản trong thế kỷ 20 phát sinh từ quan điểm này. Ðối với chủ nghĩa cộng sản thô tục, phủ định quan hệ tư hữu những phương tiện sản xuất có nghĩa là, một mặt, "vô sản hoá" mọi người, buộc mọi người chia xẻ một cách bình đẳng thân phận của người "vô sản" trong thế giới tư bản, và mặt khác, biến toàn bộ những tư bản trong xã hội thành một thứ tư bản của toàn xã hội.
[13] ngoài nhu cầu tối thiểu để tồn sinh.
[14] une généralité : một khái niệm tổng quát, chung chung, với nội dung trừu tượng nhất, có thể gán ghép cho nhiều hiện tượng cụ thể rất khác nhau. Thí dụ : sự bóc lột, thời nào cũng có, ít nhất từ thời hình thành xã hội nô lệ. Những hình thái xã hội trong lịch sử, từ ấy, không khác nhau ở chỗ có hay không có hiện tượng người bóc lột người, chỉ khác nhau ở hình thái bóc lột. Biến "sự bóc lột" thành một khái niệm tuyệt đối làm cơ sở để suy luận và tưởng tượng rằng nó biểu diễn một hiện tượng thực là lối suy luận hình thức, huyễn hoặc. Trong thực tế, không có sự bóc lột nói chung, chỉ có những quan hệ bóc lột dưới những hình thái khác nhau, đều mang tính lịch sử. Figurée : có tính chất của một hình ảnh. Ý ở đây : biến một hình thái cụ thể của một loại quan hệ sản xuất thành một khái niệm chung chung và khoác cho nó một nhãn hiệu mới, rồi coi nó như một thực thể mới. Dịch thành "biểu tượng" phù hợp với nội dung tác phẩm L'idéologie allemande, Hệ ý thức hệ Ðức, Marx và Engels viết ngay sau đó để minh họa tư tưởng mới của họ và với nội dung của nhiều tác phẩm tranh luận về triết học của họ sau này. Trong những tác phẩm ấy, Marx và Engels phê phán lối suy luận duy tâm như sau : biến những khái niệm được rút ra từ thực tế qua quá trình trừu tượng hoá của bộ óc thành những thực thể độc lập, những khái niệm tự tại, tuyệt đối, rồi tìm trong thực tế những hiện thân của chúng và giải thích sự vận động của những hiện tượng thực qua sự vận động của ý thức, của khái niệm.
[15] Lao động thuê (travail salarié), cực đối lập của tư bản trong quan hệ sản xuất tư bản. Phải hơn 10 năm sau, trong quyển Góp phần phê phán kinh tế chính trị học, Marx mới phân tích cặn kẽ những hình thái khác nhau của lao động, và lại phải đợi gần10 năm nữa, trong Tư bản luận, mới có định nghĩa chính xác và đầy đủ của khái niệm lao động thuê, trên cơ sở vừa phân biệt lao động với sức lao động, vừa làm sáng tỏ quan hệ giữa chúng trong phương thức sản xuất tư bản.
[16] Universel, trong nghĩa đối lập với particulier, singulier, individuel, đặc biệt, riêng biệt, cá thể, v.v. Theo Engels, trong Dialectique de la nature, trang 225-228, Éditions Sociales, 1973, trong tác phẩm Logique, phần sắp xếp các loại suy luận (classification des jugements), Hegel có phân tích mối quan hệ giữa tính chung, tính đặc thù và tính cá biệt của những suy luận (jugement universel, particulier et singulier). Marx và Engels, trong những nghiên cứu của họ, thường phát hiện ra những quan hệ ấy trong kiến thức của con người về những hiện tượng trong thiên nhiên và trong xã hội. Thí dụ, đối với Marx, công thức cơ bản của tư bản (A - M - A', tiền đẻ ra tiền) là một hình thái vận động theo hành trình S-P-G (Singulier-Particulier-Général) trong suy luận của con người. Một món tiền A có thể là một hiện thể cá biệt của tư bản. Hàng hoá M có thể là một hiện thể đặc biệt của tư bản. Tiền đẻ ra tiền xuyên qua sự trao đổi hàng hoá là định nghĩa tổng hợp của tư bản, là khái niệm chung (général, universel) về sự vận động của tư bản. Tiền lại là hình thái tiền tệ của giá trị. Với nội dung ấy, định nghĩa cuối cùng, không thể chung hơn của tư bản là : giá trị đẻ ra giá trị. Những từ général, universel..., ở Marx, phải hiểu trong nghĩa ấy.
Trong lĩnh vực kinh tế và xã hội học, trong tư tưởng của Marx, những từ này liên hệ trực tiếp với những cặp khái niệm như tính cá nhân và tính xã hội của con người, tính cá thể và tính tập thể, tư hữu và công hữu, v.v.
Ý của câu này là : chủ nghĩa cộng sản thô tục phủ nhận một cách tượng trưng (không giải quyết thực, "phủ định" dưới dạng dương) mâu thuẫn giữa lao động thuê và tư bản bằng cách biến hai cực có thực của một quan hệ mâu thuẫn thành hai "thực thể" giả tạo, và khoác cho một cực, cực tư bản - vẫn giữ nguyên tính chất tư bản - cái áo cộng đồng (sở hữu tập thể, sở hữu toàn dân,v.v.), và dồn mọi người vào cực kia với tính cách người làm công cho cái quyền lực tư bản thống nhất khoác áo cộng đồng. Tóm lại, nhại quan hệ sản xuất tư bản trong hình thái kiện toàn trừu tượng : cả nước đi làm công cho một tư bản thống nhất. Tư bản ấy, tuy được khoác áo cộng đồng, không thể có thực, vì tư bản và lao động thuê chỉ là hình thái vận động của một loại quan hệ xã hội, chúng không thể tồn tại một cách độc lập, chúng chỉ có thể cùng tồn tại và cùng tiêu vong. Con người chỉ có thể trở thành công nhân khi bán được sức lao động của mình cho người khác, cho ông chủ tư bản. Con người cũng chỉ có thể trở thành ông chủ tư bản khi mua được và khai thác được sức lao động của người khác để sản xuất hàng hoá. Một hình thái xã hội trong đó mọi người vừa làm chủ tư bản của mọi sự vừa là công nhân của tư bản tập thể trừu tượng kia là một xã hội không có tư bản thực và cũng chẳng có công nhân thực, một xã hội tư bản chẳng ra tư bản, cộng sản chẳng ra cộng sản, là một hình thái quan hệ sản xuất không thể tồn tại và phát triển trên cơ sở lực lượng sản xuất đương thời.