Trả lời một độc giả Hợp Lưu
về chuyện đăng quyển sách triết Penser librement
bằng tiếng Phu Lăng Xa
Lá thư gửi Hợp Lưu 72 của ông Phan Thái Long
Trên Hợp Lưu cách đây nhiều số quảng cáo cuốn sách triết Penser Librement của ông Phan Huy Ðường. Tôi có nhờ người bạn sinh sống bên Pháp mua gởi qua, nhưng thú thật những vấn đề ông Phan Huy Ðường đặt ra to tát quá tôi không hiểu hết. Tôi theo học trung học Jean Jacques Rousseau ở Sàigon lúc nhỏ (sau này đổi tên là trường Lê Quý Ðôn) nhưng lâu ngày tiếng Pháp không còn nhớ nữa, đọc cứ phải tra tự vị mệt quá. Một người bạn có giới thiệu trang website của ông Phan Huy Ðường, tôi có vào coi, thấy ông này làm việc cẩn túc, dịch nhiều, thật đáng quý, nhưng cầm cuốn sách trên tay, tôi cứ phân vân mãi, sao ông Phan Huy Ðường không viết tiếng Việt cho độc giả Việt Nam tìm hiểu ? sách triết Tây đã khối vạn quyển rồi viết thêm một cuốn nữa cũng như muối bỏ bể thôi, hay ông Phan Huy Ðường thấy độc giả Việt Nam không xứng đáng với trình độ triết học thế giới hiện nay ? Nếu ông Phan Huy Ðường thấy vậy càng nên dịch cuốn sách của ông sang tiếng Việt giúp dân xứ mình. Hôm nay thấy tên ông Phan Huy Ðường cộng tác với báo Hợp Lưu tôi mạo muội viết lá thư này, có gì không phải quý ông đừng chấp nhất.
Phan Thái Long
nguyệt san Tin Lành Ngày chúa Arkansas
Trả lời
Kính gửi ông Phan Thái Long,
Trước hết, xin cảm ơn ông đã chú ý đến quyển sách của tôi, chịu khó vừa đọc vừa tra tự vị. Tôi rất cảm kích.
Tôi không bao giờ dám coi thường độc giả vì lý do đơn giản : theo tôi, không có độc giả thì không có tác phẩm, không có tác phẩm thì cũng chẳng có nhà văn. Một quyển sách không ai đọc chỉ là một đống giấy lem nhem mực, thế thôi. Cái mà chúng ta gọi là tác phẩm chỉ hình thành xuyên qua quá trình đọc của độc giả. Quan hệ nhà văn – tác phẩm – độc giả là như vậy.
Tôi lại càng không dám coi thường độc giả Việt Nam : trong khá nhiều năm, tôi đã đăng đó đây nhiều bài vở bằng tiếng Việt trong lĩnh vực văn chương, văn học, nghệ thuật, triết, tin học… Có lẽ bài vở tôi đăng bằng tiếng Việt nhiều hơn bài vở đăng bằng tiếng Pháp. Ða số những bài ấy đã đăng lại tập trung trong quyển Vẫy gọi nhau làm người xuất bản tại Orange County.
Lý do khiến tôi viết quyển sách triết bằng tiếng Pháp cũng khá dễ hiểu. Theo tôi, con người khác con thú cở bản ở khả năng tư duy bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ đó không có trong đầu nó khi nó chào đời. Nó phải học lại của người khác để nên người như người Việt mình thường nói. Như thế, bước đầu, mỗi khi ta suy nghĩ, ta thể hiện trong đầu ta ngôn ngữ và tư duy của người khác ! Ta không đương nhiên tự do như ta tưởng vì quá trình nên người của ta đồng thời là quá trình ta tự xiềng xích mình với tư duy của người khác. Cũng như ông, tôi học chương trình Pháp từ nhỏ. Một phần nhân cách của tôi hình thành qua tiếng Pháp. Tôi lại trưởng thành tại Paris trong những năm 60. Ðó là những năm sôi nổi về mặt tư tưởng. Người ta đặt lại mọi vấn đề trong mọi lĩnh vực của kiến thức nhân văn. Trưởng thành trong môi trường ấy, tôi ý thức rất sớm rằng kiến thức và cách suy luận của tôi, tôi đều vay mượn của những nhà tư tưởng Tây Âu. Qua họ, tôi chịu ảnh hưởng nặng nề của triết gia Tây Âu, đặc biệt Ðức và Pháp. Tôi cũng sớm ý thức rằng những hệ tư tưởng tôi học được mâu thuẫn với nhau, đối kháng với nhau, phủ định lẫn nhau. Ðiều đó có nghĩa : tôi đã rước vào trong đầu tôi một mớ bòng bong mâu thuẫn mà bản thân tôi không giải quyết nổi, tôi đã bế tắc tư tưởng. Một hôm, cách đây vài năm, không chịu đựng nổi nữa sự bế tắc triền miên ấy, tôi trải tờ giấy trắng ra, đặt lại mọi vấn đề từ đầu một cách có thể gọi là ngây thơ nhất, nhất định phải làm rõ được vấn đề mới cầm bút trở lại trong những lĩnh vực khác. Kiến thức và cách suy luận của tôi trong lĩnh vực triết đã hình thành qua tiếng Pháp thì phương tiện gỡ rối chính xác nhất là tiếng Pháp. Tôi cũng thường nghĩ rằng khi ta tranh luận với triết gia Tây Âu, hay nhất là ta nhẩy vào 'sân chơi' của họ, tranh luận với họ trong ngôn ngữ của chính họ. Riêng trong trường hợp này, không thể khác được : tôi phải vắt tiếng Pháp tranh luận với một vài triết gia đã ảnh hưởng sâu đậm tư duy của tôi xuyên qua tiếng Pháp, để giải phóng cái đầu của mình. Trong trường hợp này, cứu cánh và phương tiện không thể nào tách rời nhau được.
Tuy vậy, chắc ông cũng đã phát hiện, một yếu tố cơ bản đã giúp tôi giải quyết bế tắc tư tưởng của tôi trong bấy nhiêu năm chính là quan điểm cổ truyền của người Việt về con người thể hiện qua những 'khái niệm' : nên người, học làm người, dậy làm người, làm người. Triết lý Tây Âu phong phú và hay đến mấy cũng có giới hạn của nó. Cứ coi khủng hoảng tư tưởng ngày nay tại Pháp và Tây Âu cũng đủ thấy.
Câu chuyện chỉ có thế thôi.
Tôi vẫn mong, một lúc nào đó, tôi viết lại quyển sách này bằng tiếng Việt trong một ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu để độc giả Việt Nam không quen đọc sách triết của Tây Âu không bị bỡ ngỡ vì những kiến thức, khái niệm, từ ngữ không cần thiết để tiếp cận nội dung cơ bản của vấn đề[1]. Nhưng, thú thực, hiện nay tôi chưa có điều kiện lẫn khả năng để làm chuyện đó.
Kính thư,
Phan Huy Ðường
19/06/2003
[1] Ngay trong Penser Librement tôi cũng cố gắng vận dụng tiếng Pháp một cách bình dị nhất, mong rằng thanh niên có trình độ tú tài là hiểu được. Chỉ có hai chương 5 và 6 là tương đối rắc rối thôi vì, để tôn trọng các tác giả tôi phê phán, tôi phải dùng khái niệm và ngôn ngữ của chính họ.