Phan Tấn Hải phỏng vấn Phan Huy Ðường
Hơp Lưu số 15, 1994, tháng 2 và 3
Thưa anh, thay mặt cho Hợp Lưu, chúng tôi cảm ơn anh đã có nhã ý giành cơ hội cho chúng tôi phỏng vấn, để giới thiệu với độc giả những công trình của anh.
1) Xin anh cho biết những bút hiệu anh đang dùng, các tạp chí anh đang hợp tác, và những tác phẩm, dịch phẩm anh đã in hoặc đang in.
Xin cảm ơn anh và Hợp Lưu có nhã ý phỏng vấn tôi. Hiện nay tôi dùng hai bút hiệu Trần Ðạo và Ðơn Hành. Tôi từng gửi bài cho Diễn Ðàn ở Pháp, Hợp Lưu ở Mỹ, Ðối Thoại ở Ðức. Những bài tôi viết bằng tiếng Pháp đăng trong phụ bản tiếng Pháp Diễn Ðàn Forum, có vài bài đăng trong các tạp san Pháp, Bỉ, Mỹ và Ý.
Tôi đã dịch Thiên sứ của Phạm Thị Hoài. Quyển sách này được đăng ở Ý do Marietti xuất bản, ở Ðức do Rororo, nhóm Bertelsmann xuất bản. Bản tiếng Ðức được tác giả đích thân hiệu đính.
Sau Thiên Sứ, tôi đã dịch Những thiên đường mù của Dương thu Hương. Quyển sách này đã được đăng ở Mỹ do William Morrow xuất bản, ở Ðức cũng do nhóm Bertelsmann xuất bản, và ở Hoà Lan do Uitgeverij Nijgh & Van Ditmar xuất bản. Hiện nay nhà xuất bản Penguin đang chuẩn bị tái bản dưới dạng sách bỏ túi, sẽ phát hành năm 1994. Có nhà xuất bản Ý thuộc nhóm Mondadori cũng đã mua bản quyền tiếng Ý. Ngoài ra, tôi được biết nhà xuất bản Nhật DanDansha đang điều đình mua tác quyền tiếng Nhật do bà Kato Sakae dịch thẳng từ tiếng Việt.
Tôi đã dịch Tiểu thuyết vô đề. William Morrow đang chuẩn bị đăng bản tiếng Anh. Bản tiếng Ðức cũng trong giai đoạn ấy.
Tôi đã dịch xong một tuyển tập truyện ngắn đương đại Việt Nam. Tôi vừa ký hợp đồng với nhà xuất bản Pháp Philippe Picquier để đăng trong năm 1994.
Tác phẩm riêng, có quyển Vẫy gọi nhau làm người, có lẽ sẽ do nhà xuất bản Hồng Lĩnh đăng. Viết thẳng bằng tiếng Pháp, có một tuyển tập truyện ngắn tựa là Un amour métèque, đang trong giai đoạn điều đình với một nhà xuất bản Pháp, và một quyển gồm những bài bình luận, tuỳ bút mang tên Au fil des jours, au fil des lectures, cũng trong giai đoạn điều đình với một nhà xuất bản Bỉ.
2) Thưa anh, theo chúng tôi biết, anh từng hoạt động trong phong trào chống chiến tranh khi còn là sinh viên du học ở Pháp và cho tới bây giờ – đương nhiên, bị dán nhãn hiệu là trí thức thiên tả. Anh có một lần cũng tự nhận là mácxít. Như vậy anh nghĩ thế nào về chính mình và những nhãn hiệu trên.
Anh có thể thoải mái nói tôi đã từng công khai ủng hộ kháng chiến, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, Việt Nam dân chủ cộng hoà, và đã từng tin tưởng đảng cộng sản Việt Nam. Ðó là sự thực, là quá khứ của tôi. Tôi không có nhu cầu che dấu hay quên quá khứ của mình. Nhưng tôi không cho phép nó, và bất cứ ai, từ mọi phía, dựa vào nó để bịt mắt, thắt họng tương lai. Tôi chủ trương tôn trọng tính khách quan của những sự kiện lịch sử, bất kể ở mức độ lớn nhỏ nào. Nhân cách của ta hình thành bằng vật liệu ấy, xoá bỏ chúng, sửa chữa chúng là điều nguy hiểm vì nhân giới này không có hình thái tồn tại ngoài trí nhớ của con người, và trí nhớ là một nền tảng cần thiết của tư duy, của văn học, của mọi nền văn minh. Chúng ta vừa là con cháu Nguyễn Trãi, vừa là con cháu nhà Lê đã chu di tam tộc Nguyễn Trãi. Chúng ta là sản phẩm của cả thời đại thực dân, đế quốc, lẫn thời đại chủ nghĩa xã hội hiện thực tiêu vong. Nên nhớ hết làm vốn. Ngoài ra, đánh giá những sự kiện ấy là quyền của các thế hệ, của mọi người, mọi lúc. Trong phương diện này, tôi quan điểm con người là tự do và trách nhiệm, có khả năng thay đổi hoặc không thay đổi.
Tôi không quan tâm tới thói người này dán nhãn hiệu cho người kia. Ðó là chuyện của người thích dán nhãn hiệu. Tôi không biết trong đầu óc của họ thực sự có gì. Chuyện tôi không hiểu được, không cảm được, tôi không lấy làm đề tài suy nghĩ.
Về quá khứ của tôi, về khái niệm trí thức thiên tả, hiện nay tôi hiểu thế này. Như mọi người, tôi dấn thân vào những cuộc đấu tranh của thời đại của mình vì một số giá trị nhân bản, với một số kiến thức đương nhiên giới hạn. Những giá trị ấy, ngày nay tôi vẫn thấy cần thiết cho tương lai. Thí dụ : tự do, bình đẳng, nhân ái, độc lập dân tộc, tôn trọng và quý mến những sắc thái khác biệt giữa những con người, những nền văn hoá, những dân tộc, kể cả các nước " nhược tiểu " về kinh tế như nước ta. Thực ra, một số giá trị ấy đã làm nền tảng cho cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu. Tư tưởng của Marx phát triển chúng vào những lãnh vực khác nhau của thân phận người : kinh tế, xã hội, lịch sử, triết, v.v. Trong ý đó, bản thân nó cũng là một cách kế thừa nền văn minh tư sản. Nó không từ trên trời rơi xuống, nó từ lòng xã hội tư bản sinh ra. Do lịch sử đặc biệt của Châu Âu từ thế kỷ 18 tới cách đây khoảng 15 năm, những giá trị ấy đã trở thành ngọn cờ của những người gọi là thiên tả. Những người này tới từ những chân trời tư tưởng và ý thức hệ khác nhau. Ở Pháp, dưới khái niệm thiên tả, có người thiên chúa giáo như Simone Veil, ngay như François Mauriac, có lúc cũng đã được coi như thiên tả vì ủng hộ Mendès France. Có những người chủ trương tự do vô chính phủ (anarchistes), có những người theo chủ nghĩa hiện sinh, cấu trúc... có những người chẳng theo chủ nghĩa nào như André Gide, Albert Camus. Dĩ nhiên, có những người mácxít, trong đó có những người cộng sản, những người trốtkít, những người quý tư tưởng của Marx, không quý đảng cộng sản. Có thể nói, trong thế kỷ 20, số lớn những nhà tư tưởng, văn sĩ, nghệ sĩ, khoa học có tầm vóc của Pháp đã thuộc loại người gọi là thiên tả. Ở Mỹ và ở Việt Nam, đương nhiên, khái niệm này mang một nội dung, một sắc thái khác. Ðiều quan trọng không ở từ ngữ, mà ở nội dung. Người biết càng nhiều càng thận trọng, tránh những nhãn hiệu nông cạn.
Ðó là nói về những giá trị khiến người gọi là thiên tả dấn thân. Mặt này, tôi vẫn thấy là đúng.
Nói về kiến thức của tôi thời đó, tôi không nghĩ mình đã sai lầm to trong việc tìm hiểu nguồn gốc của chiến tranh Việt Nam. Có hai điểm tôi thấy mình đã ngây thơ và non nớt :
1) không thấy hết khía cạnh nội chiến, nhất là trong giai đoạn cuối của chiến tranh.
2) đồng nhất tư tưởng của Marx với đảng cộng sản Việt Nam, đảng cộng sản Việt Nam với guồng máy quyền lực bí mật nắm họng nó từ thời cải cách ruộng đất.
Những điều này, phải tới đầu những năm 80 tôi mới ý thức rõ. Có lẽ vì sau 1975 tôi chú ý học nghề để đóng góp xây dựng đất nước hơn là chú ý tới thời sự chính trị. Có lẽ do hai lần về thăm Việt Nam, tôi thấy được tính bất nhân của những chính xách học tập cải tạo, lý lịch, sua đuổi người Việt di tản... và bầu không khí ngột ngạt, sợ hãi, giả dối bao phủ đời sống xã hội. Tôi bắt đầu tìm hiểu do đâu những giá trị đã lôi cuốn một phần lớn nhân loại suốt một thế kỷ có thể dẫn tới sự hình thành một quái thai như chủ nghĩa xã hội hiện thực. Có lẽ một trong những lý do quan trọng là những đảng cộng sản cầm quyền đã hình thành và lớn mạnh qua chiến tranh trong những xã hội nông nghiệp lạc hậu, phong kiến, có khi thuộc địa, hoặc do Liên Xô áp đặt như ở Ðông Âu. Tìm hiểu tới cùng sự kiện ấy, làm những gì mình làm được để nó mau chấm dứt, không còn cơ tái diễn, đó là một phần cái giá tôi trả cho quá khứ của tôi. Mình làm mình chịu. Tôi không thắc mắc chuyện phải trả giá, đã và đang trả giá, sẽ tiếp tục trả giá, tới lúc không còn đủ nghị lực để trả nữa thì coi như chó chết hết chuyện. Dĩ nhiên, đây là lối sống cá biệt. Ôm những gì trong quá khứ của mình để đi đâu là chuyện riêng của từng người. Ai dám tin mình luôn luôn có kiến thức trọn vẹn, đạt chân lý trong mọi vấn đề ? Ai biết trước được mình sẽ đi về đâu ? Với ai ? Nhưng tôi tin rằng nếu mỗi người Việt vừa thủy chung với những giá trị nhân bản của mình, vừa chịu khó tìm hiểu, thông cảm người khác, và luôn luôn bồi dưỡng kiến thức của mình, họ sẽ gặp nhau, làm cho nhau thêm sáng suốt, thêm phong phú.
3) Theo chúng tôi nhận thấy, trong cách lý luận và nhìn về cuộc đời, anh dường như bị ảnh hưởng tư tưởng của Karl Marx và Jean Paul Sartre; nói cụ thể là nửa cộng sản nửa hiện sinh. Ðiều này có mâu thuẫn không, hoặc nếu không mâu thuẫn thì làm sao hoà được một chủ nghĩa tập thể với một cách sống và tư tưởng thiên cá nhân như vậy ?
Trước hết ta nên phân biệt ba nội dung của từ cộng sản.
Nội dung thứ nhất là một hoài bão của con người mơ ước một xã hội cộng đồng trong đó con người sống với nhau tự do, bình đẳng, trong tình anh em. Ðây là một phản ứng đối với hoàn cảnh cơ cực, xé lẻ, cô đơn và bất lực của người làm công trong một giai đoạn phát triển của xã hội tư bản. Trong nghĩa đó, nó là một giá trị nhân bản hình thành trước Marx, được những tác giả như Owen, Babel, Fourrier... chủ trương. Marx gọi đó là chủ nghĩa cộng sản không tưởng trong nghĩa không có cơ sở khoa học để thực hiện.
Nội dung thứ hai ám chỉ những đảng cộng sản của thế kỷ 20, những quan điểm, đường lối, chính sách đấu tranh và cai trị của họ. Ðây là đề tài đáng được nghiên cứu sâu sắc. Phong trào cộng sản trong thế kỷ 20 là sản phẩm của nền văn minh tư bản lúc đó. Ðiều đó hiển nhiên. Ðiều không hiển nhiên là nó đưa tới những đảng cộng sản và những chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực mà ta biết. Chỉ cần xem lại những cuộc tranh luận giữa Lénine, Rosa Luxembourg, Trostky, Gramsci, v.v. đủ thấy. Phải hiểu cạn sự kiện này mới có khả năng ngăn ngừa nó tái diễn, vì cái nôi của nó, chế độ tư bản, vẫn còn đó, và dường như đang lâm vào một cuộc khủng hoảng mới, giống những cuộc khủng hoảng đã khai sinh các phong trào fátxít và cộng sản đương đại. Hiện nay, ở Âu Châu, các phong trào fátxít đang tái sinh. Những cựu đảng cộng sản Lituanie và Balan vừa thắng cử. Ở Ý, đảng cộng sản cũ có cơ lên cầm quyền. Rất nhiều chuyện đáng chú ý, suy nghĩ. Có lẽ, cho tới nay, người phân tích sâu sắc nhất hai hiện tượng trên là Hannah Arendt. Tôi thấy những luận điểm của bà về cơ sở hình thành, cơ cấu tổ chức, phương pháp hoạt động của các cơ chế toàn trị, sắc bén. Tôi hoài nghi những giải thích của bà về nội dung tư tưởng khiến con người có thể mong ước chúng. Một điều đáng chú ý, tuy Hannah Arendt là người đúc kết khái niệm "toàn trị" [totalitarisme, système totalitaire] được dùng phổ biến trên thế giới, bà không hề đồng nhất nó với học thuyết của Marx. Ngược lại, bà chân trong ông như một nhà tư tưởng vĩ đại. Theo tôi, ai muốn tìm hiểu cơ chế toàn trị, nên đọc Hannah Arendt; ai muốn tìm hiểu học thuyết mácxít, nên đọc Marx; ai thích môn triết lý chính trị và văn chính trị đẹp, nên đọc cả hai.
Chỉ trong nghĩa thứ hai này của từ cộng sản mới có thể đồng nhất học thuyết của Marx với chủ nghĩa tập thể. Tôi không có khái niệm ấy. Có lẽ vì tôi đã may mắn đọc Sartre trước khi đọc Marx, đọc Marx trước khi đọc lối diễn giải của các đảng cộng sản.
Nội dung thứ ba là khái niệm của Marx về một xã hội cộng sản tương lai. Marx viết rất ít về nó. Ông tự nhận là triết gia duy vật, không ưa bàn chuyện viễn vông. Ông chỉ dựa vào phương pháp suy luận biện chứng để rút ra một vài nét chung của một xã hội kế thừa (xuyên qua mâu thuẫn) xã hội tư bản, nghĩa là vừa duy trì trong nó tất cả những thành tựu lịch sử của xã hội tư ban vừa phát huy những giá trị nhân bản không thể phát huy được trong xã hội tư bản. Một trong những giá trị ấy, chính là tự do cá nhân. Giá trị này là một trong những sản phẩm cơ bản của cách mạng tư sản. Theo ông, trong khuôn khổ kinh tế tư bản, nó dẫn tới sự lệ thuộc, cô đơn, tha hoá. Chỉ trong một hình thái xã hội hết lệ thuộc sự phân công lao động tự nhiên, con người mới đạt được tự do trọn vẹn trong tình người. Một xã hội như thế không thể hình thành trước khi con người phát triển khoa học và kỹ thuật tới mức nhân loại hết lệ thuộc tự nhiên. Ðủ thấy, chủ nghĩa tập thể nói trên không dính dáng gì tới tư tưởng của Marx. Ở Marx, tính cá thể của con người và tính xã hội của nó thống nhất (biện chứng) với nhau. Ông tin rằng tự do cá nhân, trong tình người, là kết quả cuối cùng của sự vận động của hai mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên, mâu thuẫn giữa con người cá thể và xã hội.
Về mặt này có chuyện lạ. Ða số những người cộng sản và những người chống cộng say sưa mà tôi quen là những người ít bỏ thời giờ tìm hiểu tư tưởng của Marx tận gốc, một cách hệ thống. Theo tôi, có thể vì mấy lý do :
a/ Tác phẩm khá đồ sộ. Nói chung dễ hiểu, nhưng cũng có nơi khá rắc rối, đặc biệt khi ông vận dụng lý luận biện chứng với ngôn ngữ của Hegel để phân tích những vấn đề hóc búa như giá tri, hàng hoá, tiền tệ, giai cấp, tự do, dân chủ, tư duy... Ngay Engels cũng có lúc khuyên ông viết lại cho độc giả đỡ nản lòng.
b/ Ðối với người Việt không sành ngoại ngữ Tây Âu, chỉ được đọc qua máy lọc Liên Xô và Trung quốc. Hết sức nguy hiểm.
c/ Vì đây là hệ tư tưởng có tính tổng hợp ở mức thời đại, cũng cần có ít nhiều kiến thức về triết học Ðức, chủ nghĩa xã hội Pháp và kinh tế chính trị học Anh của các thế kỷ 18 và 19 ở Châu Âu. Nói chung, phải biết ít nhiều lịch sử và nền văn minh Châu Âu trong những thế kỷ hình thành hình thái kinh tế xã hội tư bản.
Sartre được các đảng và khá nhiều trí thức cộng sản coi như đối thủ số một của họ. Mấy bài tranh luận ý thức hệ trứ danh của ông cũng chĩa mũi nhọn vào họ và vào học thuyết của Marx. Như thế hẳn có mâu thuẫn. Nhưng Sartre cũng đã từng làm người bạn đồng hành (không mấy tin cậy, từ cả hai phía) của phong trào cộng sản. Ðiều này có thể hiểu được, nhưng vẫn để tồn tại một câu hỏi mà bản thân tôi cũng chưa giải quyết được.
Trước hết phải hiểu, đối với Sartre, thế nào là một hệ triết học.
Trong "Critique de la raison dialectique" [Phê phán lý trí biện chứng], J.P. Sartre có nhận định : những thời điểm triết học hiếm. Ông cho rằng trong lịch sử tây âu, mấy thế kỷ vừa qua, chỉ có vài thời điểm triết học: ... " le momentž de Descartes et de Locke, celui de Kant et de Hegel, enfin celui de Marx". Ông hiểu khái niệm "thời điểm triết học" như sau : khi một tư tưởng thấm vào đời, biến thành môi trường của tư duy (le devenir monde de la philosophie), khoanh chân trời của ý thức, khiến con người phải luôn luôn đối chiếu với nó để suy luận, tư tưởng ấy mở ra một thời đại triết học mới, tư tưởng ấy đáng gọi là triết lý (philosophie). Tất cả các hệ luận khác, kể cả chủ nghĩa hiện sinh đều là những idéologies [ý thức hệ] phát triển và có ý nghĩa trong môi trường ấy. Theo ông, tư tưởng của Marx là triết lý cuối cùng của thời đại này, của nền văn minh này. Câu nổi tiếng : "Le marxisme est la philosophie indépassable de notre temps" [Chủ nghĩa Marx là nền triết học không thể vượt qua được của thời đại này] phải hiểu trong nghĩa đó. Nó không có nghĩa là sau Marx không còn gì để tìm hiểu, khám phá trong triết học. Bản thân Sartre là người công kích mãnh liệt nhất chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhiều năm trước khi ông tuyên bố ý trên. Nó có nghĩa : không có tư tưởng của Marx, không thể hiểu thời đại này. Ta có thể nghĩ ta thông minh, ta khó có thể tin người đời cỡ ấy ngu ngốc hơn ta... vượt bực.
Nói thế, để thấy phê phán tư tưởng của Marx không phải chuyện đơn giản, ngay cả đối với một nhà triết học cỡ Sartre. Ông rất tiếc rằng các đảng cộng sản, các trí thức cộng sản đã tôn giáo hoá tư tưởng ấy, làm nó khô cứng, mất khả năng tiếp thu, chinh phục những kiến thức mới của thời đại. Sinh thời, ông chỉ trọng vài trí thức mácxít ở Pháp là Politzer, Trần Ðức Thảo, và Lefebvre.
Marx và Sartre có một điểm chung cơ bản : họ đều là những người vận dụng phương pháp suy luận biện chứng để tìm hiểu mọi sự trên đời. Nhưng giữa họ cũng có một sự khác biệt gốc : Marx duy vật, Sartre duy tâm. Sartre chấp nhận duy vật lịch sử, không chấp nhận duy vật biện chứng. Marx không chỉ tin rằng sự vận động của vật chất sản sinh ra tư duy, ông còn tin rằng vật chất và tư duy vận động theo những quy luật chung, cơ bản của phép biện chứng. Sartre cho rằng không có biện chứng trong tự nhiên.
Cuộc tranh luận này lại không đơn giản vì Marx không hề viết một tác phẩm về hiện thể học (ontologie). Sau khi thanh toán món nợ với nền triết học Ðức, ông tập trung nghiên cứu kinh tế, chính trị, lịch sử. Do đó tư tưởng triết học của ông, đoạn sau, phải tìm rải rác trong những tác phẩm khác, như trong Tư bản luận chẳng hạn, lắm khi ở những chú thích nho nhỏ. Khi Sartre bắt đầu tranh luận với học thuyết mácxít, ông tranh luận nhiều với cách diễn giải của Engels trong Dialectique de la Nature và Anti-Dühring. Sau ông lại cho rằng Engels đã máy móc hoá tư tưởng của Marx.
Ngược lại Marx, tác phẩm triết học gốc của Sartre, L'Etre et le Néant [Tồn tại và Hư vô], tập trung bàn về bản chất của tư duy (conscience). Ông đi tới kết luận : tư duy (là) tự do. Do đó người đời gán cho ông danh hiệu " triết gia của tự do " (philosophe de la liberté). Tính tự do của con người, Sartre nếm đủ trong chiến tranh thế giới thứ hai khi ông đột ngột bị biến thành một đơn vị vô danh trong những tập đoàn lính, tập đoàn tù bình. Ra tù, ông kết luận rằng cái thứ tự do độc lập với nhân loại hiện thực, với thời cuộc, có nhiều khả năng hão. Ông hoạt động kháng chiến, chủ trương văn chương dấn thân qua bài mở màn cho tạp san Les Temps Modernes. Ðã dấn thân, phải chiêm chước đến, phải tìm hiểu nhân loại hiện thực trong đó có hai phong trào khổng lồ, cộng sản và giải phóng thuộc địa. Làm sao hoà hợp được tính tự do tuyệt đối của con người với sự lệ thuộc hầu như cũng tuyệt đối của nó đối với hoàn cảnh ? Tính cá thể, tính nhân loại, tóm lại, tính lịch sử của con người có thể hiểu được không ? Ðó là câu hỏi triết học cuối cùng của Sartre. Ông đặt lại vấn đề từ gốc : ngoài logíc hình thức có thể có một thứ lôgíc nào khác gọi là lôgíc biện chứng cho phép ta hiểu con người hay không ? Nêu có, cơ sở của nó là gì ? Ông viết được khoảng 2000 trang, mở đầu tác phẩm Critique de la Raison dialectique, rồi bỏ cuộc vì ông thấy giải quyết vấn đề này đòi hỏi một lượng thông tin và kiến thức quá lớn, vượt khả năng một cá nhân, mà tuổi đời ông đã gần cạn.
Những câu hỏi ấy, ngày nay, vẫn chưa có giải đáp thoả đáng. Cảm tưởng của tôi là vấn đề tập trung ở khái niệm tự phủ định trong lý luận biện chứng. Quy luật ấy vận động dưới một hình thái duy nhất như người ta tưởng hay dưới ba hình thái khác nhau, tuỳ môi trường – vật chất, sinh vật, người ? Nếu có ba hình thái, tính đặc thù của mỗi hình thái là gì, và chúng thống nhất với nhau như thế nào ? Có điều chắc là con người vừa là vật thể, sinh vật và người.
Một số vấn đề về lôgíc, hiện nay, đang được nêu ra bởi những khám phá mới trong vật lý và trong sinh học. Rất có thể, những kiến thức mới của khoa học ngày nay sẽ mở một ngưỡng cửa cho triết học thoát những đường mòn. Ngày nay, những nhà khoa học lỗi lạc nhất không ngại đặt vấn đề về niềm tin triết học của mình. Các triết gia cũng nên tò mò một tí về khoa học.
Học thuyết của Marx và của Sartre mâu thuẫn ? Không, cả hai đều là hệ tư tưởng biện chứng, nhân bản. Có, như mâu thuẫn giữa ánh sáng trong tư cách vật thể và ánh sáng trong tư cách làn sóng. Này, các anh đăng những lời trên lỡ thiên hạ dán cho nhãn hiệu " cấu kết với cộng sản trá hình" thì sao ? Có mâu thuẫn không ?
4) Thưa anh, hiện nay anh là một trong những cây bút chính của Hợp Lưu. Anh nghĩ thế nào về chủ trương giao lưu văn hoá và khả năng của việc này trong tương lai.
Anh khen quá lời. Tôi là một trong những người cộng tác với Hợp Lưu, lâu lâu mới nặn được một bài ngắn.
Không có giao lưu, làm gì có văn hoá. Chính vì thế mà guồng máy đảng cộng sản Việt Nam kịch liệt đàn áp người làm văn học, ngăn cấm Hợp Lưu, Diễn Ðàn tới tay độc giả ở Việt Nam. Ðiều kiện tồn tại của nó đòi hỏi một dân tộc phi văn hoá, phi khoa học, phi nghệ thuật... Nó sợ giao lưu văn hoá hơn sợ súng đạn. Nó có lý, lý của rừng xanh. Nhưng đó là điều không thể duy trì được mãi vì con người là một con vật văn hoá. Tạm thời, ta nên mở rộng giao lưu văn hoá với thế giới, giữa người Việt ở hải ngoại, và với trong nước trong mức khả năng và tình hình cho phép. Ðối với tôi, đây là chuyện có ý nghĩa lâu dài, cơ bản, không tuỳ thuộc sự diễn biến của tình hình chính trị. Ðiều đó không có nghĩa là nên thờ ơ với chính trị !
5) Thưa anh, xin anh cho tôi biết về tác phẩm đang in của anh, Vẫy gọi nhau làm người. Về nội dung và hoàn cảnh hình thành... Tại sao anh định in ở giai đoạn này ?
Năm 1987, sau một số năm im hơi lặng tiếng, khá bế tắc, tình cờ tôi đọc trong Ðoàn Kết một số truyện ngắn và bài vở đăng trong nước khiến tôi xúc động. Lúc đó tôi đã bắt đầu nghĩ rằng điều nguy hiểm nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực là nó phải tiêu diệt văn hoá, ép con người sống trong hoàn cảnh của những cộng đồng thú. Tôi tập viết tiếng Việt, gửi bài cho báo, tham gia vào chuyện bảo vệ quyền có văn hoá của người Việt. Tôi bình luận một số tác phẩm, luôn chú trọng ý nghĩa văn hoá, văn chương của chúng, đặc biệt khi tôi thấy có điều mới mẻ hay quan trọng trong bút pháp. Ðó là nội dung phần Ðọc sách. Việc ấy giúp tôi hiểu rõ một số suy nghĩ mung lung trong đầu từ lâu. Rồi đến lúc tôi thấy phải làm cho những suy luận, cảm nghĩ của mình rõ ràng, nên tôi viết những bài trong phần Tiểu luận. Thời cuộc cũng thôi thúc suy nghĩ, đòi hỏi bình luận, tiếng nói của một con người trong thời cuộc. Trong lãnh vực này tôi cũng chú trọng kích thước văn hoá của các sự kiện hơn nội dung chính trị nhất thời của chúng vì tôi không ham quyền lực, không có máu làm chính trị, không có hoài bão làm chính khách. Những bài ấy gom trong phần Xuyên qua thời sự, văn hoá. Truyện ngắn Vũ Hổ đương nhiên là để hầu chuyện độc giả dưới một hình thức ít ngán hơn những hình thức kia.
Chuyện in quyển sách lúc này có phần tình cờ. Một hôm tôi mua một định trình xử lý tiếng Việt trên máy tính để gõ bài. Tôi tập dùng định trình ấy bằng cách xắp các bài thành sách. Ðọc lại, thấy tư duy có thay đổi qua năm tháng, nhưng khá thống nhất, tôi chợt nghĩ có thể đăng. Tôi gửi cho anh Khánh Trường một bản, nhờ anh xem có nhà xuất bản muốn đăng chăng. Tôi tặng Trần Vũ một bản, đáp lễ anh ấy tặng tôi quyển Cái chết sau quá khứ. Nhờ anh Khánh Trường và Trần Vũ giới thiệu, nhà xuất bản Hồng Lĩnh ưng đăng.
6) Anh cũng là dịch giả những cuốn Tiểu thuyết vô đề và Những thiên đường mù ra tiếng Pháp và tiếng Anh. Xin anh cho biết thêm chi tiết về hai dịch phẩm này : nhà xuất bản, lượng in, hoàn cảnh hình thành... và tại sao anh quyết định dịch những tác phẩm này.
Về thân phận các tác phẩm này ở hải ngoại, tôi đã nói. Dương Thu Hương là nhà văn Việt Nam đương đại được dịch ra nhiều ngoại ngữ nhất. Tất cả đều qua hệ thống xuất bản bình thường ở các nước tây âu.
Quyển Những thiên đường mù do nhà xuất bản Des Femmes ấn hành, nếu tôi nhớ đúng, 3500 bản, nay đã bán cạn, đang tính tái bản theo khổ sác bỏ túi. Ở Mỹ, William Morrow in khoảng 12000 bản, có tiếng vang khá lớn trong các báo. Ở các nước khác tôi không rõ chi tiết. Tôi dịch quyển này vì nhiều lý do. Thứ nhất tôi quý mến Dương Thu Hương qua hành động, các bài phát biểu của chị. Chị là một trong những người nêu gương sống công khai với đầy đủ quyền công dân, không thèm xin phép ai. Lại là người không ngại thẩm định lại cuộc đời của mình, đạp những vùng cấm địa, mở đường cho người khác. Thứ hai, chị có tài kể chuyện, rất lôi cuốn, tình cảm, và có những nhận xét bén về tình yêu, tình người. Ðiều ấy tôi cảm nhận khi đọc Bên kia bờ ảo vọng. Lý do cuối cùng khiến tôi dịch Những thiên đường mù là vì nó trùng hợp với một số vấn đề tôi suy nghĩ hồi đó trong quá trình tìm hiểu sự biến chất của cách mạng Việt Nam. Lý luận trừu tượng hoá cuộc sống. Văn chương hiện sinh hoá ngôn ngữ. Bằng lý luận, ta hiểu đời. Bằng văn chương, ta trả lại cho khái niệm phần máu thịt và phần hồn của nó. Cả hải đều cần thiết để thấu hiểu những sự kiện liên quan tới con người. Bản dịch tiếng Anh cơ bản là do cô Nina McPherson. Tôi không đủ sành tiếng Anh để dịch văn, chỉ giúp cô trong lãnh vực ngữ nghĩa và góp ý về thuật dịch văn. Tôi chịu đứng tên vì cô yêu cầu, vì nể bạn.
Quyển Tiểu thuyết vô đề, chị Hương gửi cho tôi trước khi chị bị bắt. Chắc anh còn nhớ những tin về vụ kiện giữa nhà xuất bản Des Femmes và ông Võ Văn Ái khi ông ấy định giựt in quyển sách này và chụp mũ Dương Thu Hương là người của mình. Bây giờ tòa đã xử, buộc ông phải trả lại bản thảo, cấm không được in toàn bộ hay một phần quyển sách này, buộc phải thủ tiêu những bản đã in, v.v.
Lúc ấy Dương Thu Hương đang ở tù. Ðối với tôi, dịch và đăng Tiểu thuyết vô đề là chuyện tự nhiên, không có gì phải suy tính. Tôi gác các chuyện khác lại để thực hiện gấp điều ấy.
Số lượng in ở Pháp và Mỹ cũng như Những thiên đường mù. Tạp chí Grand Street ở New York đã trích đăng máy chục trang đầu, năm 1993.
7) Anh cũng là dịch giả Thiên Sứ của Phạm Thị Hoài ra tiếng Pháp. Xin anh cho biết về dịch phẩm này.
Ðọc Thiên Sứ, tôi rất thích, đặc biệt khía cạnh hài hước (humour) của nó. Có hai lý do khiến tôi có cảm tưởng đây là tác phẩm thử bút của một nhà văn đang trong quá trình tìm một phong cách viết riêng. Thứ nhất, trong 20 chương, có nhiều chương có thể đọc như một truyện ngắn. Thứ hai, trong một truyện tương đối ngắn, tác giả sử dụng nhiều loại bút pháp rất khác nhau, loại nào dùng cũng đạt. Có chương viết không chấm, không phẩy, làm tôi nhớ quyển La route des Flandres của Claude Simon, giải Nobel văn chương cuối cùng của Pháp. Thuở ấy, tôi đọc những câu văn dài mấy chục trang, không có chấm, phẩy, mà cứ miên man không chán, không mệt. Quả là nhà văn xuất sắc, giúp ta trực giác một khía cạnh cơ bản của tư duy, tình cảm và ngôn ngữ, khía cạnh tổng hợp : không có chấm, phẩy. Lúc đó tôi đang viết một số bài bằng tiếng Pháp cho Ðoàn Kết. Tôi quyết định dịch để tập tành tiếng Pháp đôi chút. Dịch vì thích, không nghĩ là sẽ có nhà xuất bản đăng. Không ngờ chỉ trong vòng sáu tháng tôi tìm được nhà xuất bản Ý và Pháp nhận đăng.
8) Thưa anh, theo chúng tôi biết, anh dự trù in một bản dịch Pháp văn, gồm truyện ngắn nhiều nhà văn trong và ngoài nước. Xin anh cho biết thêm về tuyển tập này : anh chọn truyện nào, của ai, và tại sao.
Ý định của tôi là giới thiệu cho độc giả Pháp và, nếu được, độc giả vài nước tây âu nhiều tác giả Việt Nam trong một thể loại phổ cập trong văn Việt Nam. Do đó tôi không chỉ chọn truyện hợp sở thích riêng về văn chương. Khi tôi cảm nhận được một sự quyến luyến, một sự chân thành nào đó (dù khác xa tôi) đối với thân phận con người Việt Nam ngày nay, tôi dịch. Lúc đó, sách báo Việt Nam ở Pháp cũng hiếm. Tôi lại ít thời giờ, không thể lùng đọc nhiều. Tôi đọc truyện ngắn đăng trong vài tạp chí, báo chí của người Việt ở hải ngoại. Những tác giả tôi đã dịch, nói chung đều đã được đăng trong Diễn Ðàn, Hợp Lưu. Trong tuyển tập này, thiếu hẳn tác giả Việt Nam ở hải ngoại vì tôi ít dịp đọc văn của họ. Cũng may, hè vừa qua, tôi đọc quyển sách Trần Vũ tặng, thấy hay, và dịch truyện Pháo đài trên dòng Yang Tsé.
9) Thưa anh, chúng tôi biết rằng anh cũng đang viết cho tạp chí Diễn Ðàn bên Pháp. Anh có thể cho biết thêm về tạp chí này... họ là ai, muốn gì... ?
Trong ban biên tập Diễn Ðàn có nhiều bạn lâu năm của tôi. Ðây là một tập hợp người khá lạ, không thuần nhất. Về quá khứ chính trị, có những người đã tham gia hội Liên hiệp Việt kiều tại Pháp ngay từ những bước đầu của nó, có những người gia nhập sau 1975, có những người Phật tử, và những người không tham gia phong trào, hội đoàn nào. Về kiến thức, có đủ loại nghề, nhiều người làm giáo sư hay nghiên cứu toán, kinh tế, xã hội học, luật, y, kiến trúc... một số là kỹ sư hành nghề trong lãnh vực tin học. Tóm lại, họ có cơ sở kiến thức, phương pháp suy luận, và quan điểm khá khác nhau trên nhiều vấn đề, tranh luận khá sôi nổi, có khi găng. Nhưng họ tin và quý trọng tinh thần không vụ danh lợi, sự chân thành và ý thức tôn trọng sự thực của nhau nên cộng tác vui vẻ. Theo tôi thấy, họ không ham quyền lực, danh vọng, chỉ thích vai trò đóng góp một cách có phê phán vào những vấn đề họ thấy thiết thân cho người Việt hoặc mọi người. Một tập hợp trí thức, tự do, cởi mở, thiên khoa học, và... " ghiền " làm báo. Ðiều đáng tiếc là thiếu những cây bút trẻ. Có lẽ, những cây bút trẻ xuất sắc của người Việt ở hải ngoại, trong tương lai, sẽ xuất hiện từ Mỹ. Tôi nghĩ, ảnh hưởng của Tây Âu vào Việt Nam sau này, chủ yếu sẽ từ Mỹ. Một ảnh hưởng quan trọng khác có thể từ các nước Ðông Âu tới. Xin mời các bạn thanh niên Việt ở Mỹ ra tay, giúp chúng ta tiếp thu sâu đậm, vừa phê phán vừa sáng tạo, những giá trị của nền văn minh này. Và, tại sao không ? gửi tâm tư, suy nghĩ của mình cho Diễn Ðàn.
10) Cuối cùng, anh nhận xét thế nào về văn học Việt Nam quốc nội và hải ngoại hiện nay. Khả năng tương lai của hai khu vực văn học trên.
Câu hỏi quá lớn, tôi chỉ có thể nói vài cảm tưởng nặng tình cảm hơn kiến thức.
Tôi không am hiểu văn học hải ngoại, chỉ mong nó không tự đóng cũi trong quá khứ, không lải nhải những chuyện cũ rích, tiếp thu được văn học của thế giới, sáng tạo được những giá trị tư tưởng và nghệ thuật mới cho người Việt. Xin nhắc lại, tôi không am hiểu mạch văn học này, do dó điều mong muốn kia có thể đã hiện thực từ lâu mà tôi không biết. Mới đây, Trần Vũ tuyển cho tôi khoảng 30 truyện ngắn viết ở hải ngoại. Có một số truyện hay, một hai truyện thật hay.
Mấy năm qua, trong nước đã xuất hiện những tác phẩm đáng gọi là văn chương, đáng gọi là lý luận văn học. Nhưng còn quá ít đối với một dân tộc 70 triệu người. Kích thước giao lưu với văn học thế giới cũng giới hạn.
Ðiều tôi mừng là thấy khả năng o ép của guồng máy đảng cộng sản, các quan văn, các lính đánh hôi, ngày càng đuối, chủ yếu vì ngày càng nhiều người bớt hoặc hết sợ chúng.
Ðiều tôi tiếc là sự cô lập của người làm văn học đối với thế giới và giữa họ với nhau.
Ðiều tôi lo nhất là guồng máy đảng cộng sản và thị trường phối hợp đè bẹp văn học của ta. Tôi mong một ngày thật gần đây, những người làm văn học ở Việt Nam được cởi trói, tự cởi trói, giao lưu sâu rộng với văn học thế giới, và xây dựng được một nếp thảo luận, tranh luận công khai, sôi nổi, say sưa, sâu sắc, nghiêm túc, trong sự quý trọng nhau, trong tình anh em. Ðược thế, sẽ có nhiều tác phẩm lý luận hay, nhiều tác phẩm văn chương đẹp, vì vốn văn hoá, vốn sống của dân ta trong thời đại này không nhỏ.
© Copyright Phan Huy Ðường, 1994