mến tặng Dương Thu Hương
Dân chủ, một khái niệm mờ ảo.
Cách đây khoảng 10 năm, ở Pháp, xuất hiện một lối nói rất ăn khách : đa nguyên. Muốn tỏ vẻ in, phải điền chữ đa vào mọi lãnh vực : démocratie pluraliste, pensée plurielle, société plurielle, culture plurielle, texte pluriel, poésie plurielle, discours pluriel và ... amour cũng phải pluriel mới là amour ! Người Pháp vốn tếu. Họ đa cho đã rồi họ đả, và tìm mốt mới. Người Việt vốn trọng kinh thư, lại thích "hệ thống hoá" tư tưởng và lời nói, nên chỉ đã sau khi đả tứ tung và đa mọi chuyện. Dân chủ thì phải đa nguyên, chính trị thì phải đa đảng, kinh tế thì phải đa thành phần, xã hội thì phải đa giai cấp, văn hoá thì phải đa dạng, và tư tưởng đa nguyên dĩ nhiên phải... đa tư tưởng, v.v. Lối suy luận dadaïste đó, mặt nào đó, quý. Nó bắt ta nghi đa.
Nói tới dân chủ, người ta hay nghĩ tới nước Mỹ. Quả nhiên, Mỹ thành lập nền dân chủ tư sản đầu tiên. Người Mỹ có câu : One man one vote, một người bằng một người, anh bác học bằng anh mù chữ, tổng thống bằng dân đen, tỷ phú bằng ăn mày, chủ bằng thợ... Trên cơ sở nào những người ấy bằng nhau ? Trên cơ sở họ đều là người. Con người nói chung ấy không có thực. Thực tế, có ông A, ông B, không có hai người bằng nhau. Vì thế, có người cho đấy là dân chủ hình thức, trong nghĩa trừu tượng, không có thực. Cũng vì thế, trong thế kỷ 18, 19 ở Pháp, có hệ luận chủ trương chuyện cộng đồng dân tộc nên dành riêng cho những kẻ tài đức, không nên trao mọi người quyết định. Quan điểm một số người, một đảng, một cá nhân, là tinh hoa của một dân tộc không mới. Nó có trước và trong cách mạng tư sản Pháp. Xa hơn, nó đã có trong tư tưởng của Platon. Nó hình thành vì chưa ai vạch được cơ sở lôgíc của sự bình đẳng giữa người với người. Chế độ dân chủ chấp nhận sự bế tắc về lý, nhưng không chịu từ bỏ hoài bão bình đẳng. Ðiền thêm từ Nhân ái sau Tự do, Bình Ðẳng, các nhà cách mạng tư sản Pháp công nhận bình đẳng giữa người với người chỉ có thể tìm trong tình người. Có lẽ vì tình yêu là kinh nghiệm cơ bản cho ta thấy ta bằng mình, mình bằng ta, ta chỉ trở thành ta nếu mình yêu ta. Ðây là đề tài triết học chưa có giải đáp thích đáng.
Một người bằng một người. Nhưng nếu phải bỏ phiếu dưới áp lực của quyền lực hay tiền bạc, cũng không có dân chủ. Lá phiếu thể hiện dân chủ khi người bỏ phiếu tự do. Vì thế có nguyên tắc phiếu kín. Phiếu kín bảo vệ an toàn cho người bỏ phiếu. Nó công nhận : người bỏ phiếu chưa thực sự tự do.
Một nền dân chủ mẫu mực : cộng hoà Athènes.
Tự do và bình đẳng là nền tảng của chế độ dân chủ. Vì vậy, chế độ dân chủ đầu tiên ở châu Âu hình thành nơi con người tự do và bình đẳng xuất hiện, ở Hy Lạp, tại cộng hoà Athènes.
Công dân Athènes tụ họp tại Agora, công trường của thành phố, bàn và quyết định mọi việc liên quan tới vận mạng của thành phố. Ở đó, mọi người tự do phát biểu, tranh luận. Họ quyết định theo đa số. Trong quan hệ giữa người với người, họ vừa tự do, vừa bình đẳng. Họ tự do trên cơ sở họ bình đẳng. Họ bình đẳng với tư cách là người tự do. Họ tranh luận công khai, họ giơ tay đầu phiếu. Họ thực sự bình đẳng qua lá phiếu. Họ thực sự tự do qua cách bỏ phiếu. Vì sao ? Vì không ai lệ thuộc ai để tồn tại.
Về kinh tế – xã hội, Hy Lạp thời ấy là xã hội nô lệ. Về chính trị, đó là xã hội dân chủ nhất trong lịch sử loài người. Ðiều này thoạt tiên khó hiểu. Ta sẽ hiểu nếu ta ý thức rằng, đối với người Hy Lạp, nô lệ không là người, hay ít nhất không là công dân. Họ không có mặt trong không gian chính trị. Không gian ấy dành riêng cho những con người thật, con người tự do và bình đẳng. Trong tiểu thuyết Salammbô, Flaubert viết một đoạn văn hay về điều này trong xã hội Carthage. Amilcar Barca bắt một thằng bé nô lệ thế mạng con mình để tế thần. Cha thằng bé, lão nô bộc đã nuôi Amilcar, quỳ lạy. Almicar ngạc nhiên, bỡ ngỡ (hay ở đó !) : sao lão biết tình cảm thiêng liêng ấy của con người ? Trong mắt Amilcar, lão chưa bao giờ là người cả.
Con người tự do trong cộng hoà Athènes được tự do chính vì nó là chủ nô. Nó toàn quyền sinh sát nô lệ của nó. Những kẻ ấy đảm bảo sự tồn tại độc lập của nó đối với người khác. Người công dân Athènes tự do trong hai nghĩa. Nó tự do đối với nô lệ, đối với điều kiện sinh tồn của mình. Nó tự do đối với người công dân khác. Hai hình thái đó của tự do trong cùng một con người liên hệ hữu cơ với nhau. Người công dân Athènes hoàn toàn tự do đối với người công dân khác trên cơ sở sự lệ thuộc hoàn toàn của người nô lệ. Ðó là tự do của con người xây dựng trên sự nô lệ hoá con người.
Trong xã hội ấy, bình đẳng cũng có hai mặt. Người nô lệ hoàn toàn bình đẳng với người nô lệ trong tính chất nô lệ của họ. Người tự do hoàn toàn bình đẳng với người tự do trong tính chất tự do của họ. Nhưng người tự do và người nô lệ hoàn toàn không bình đẳng, ngay cả trong tính chất người của họ. Trong nhân sinh quan ấy, người là người, nô lệ là nô lệ, không có gì chung giữa họ. Về thực tế, chủ nô cũng nuôi nô lệ như nuôi con gà con vịt trong nhà[1]. Ðó là sự bình đẳng giữa người với người xây dựng trên sự bất bình đẳng giữa người với người (nô lệ).
Thể chế cộng hoà Athènes không độc đáo ở chỗ có chủ nô. Nó độc đáo ở chỗ, trên cơ sở ấy, con người sáng tạo ra chế độ chính trị lấy tự do và bình đẳng làm nền tảng cho quan hệ giữa người với người, chế độ dân chủ. Khái niệm ấy là tiền thân cho khái niệm dân chủ ngày nay. Nó thể hiện qua câu One man one vote của người Mỹ, qua quốc hiệu của Pháp : Liberté, Égalité. Trong nghĩa đó, con người thực sự tự do khi thực sự bình đẳng với người khác. Không ai lấy quan hệ giữa chủ nô Hy Lạp và nô lệ làm gương cho nền dân chủ. Trong quan hệ nô lệ, người chủ nô chỉ được tự do đối với những con vật biết nói, không được tự do đối với con người. Trong quan hệ ấy nó không được làm người tự do. Nó thực sự trở thành người tự do, trong nghĩa hiện đại, khi nó đối diện những người như nó, bằng nó, những người tự do. Ðó là điều kiện cơ bản để sự tự do hình thành trong nhân giới. Ta chỉ thực sự tự do đối với người tự do và bình đẳng với ta. Xã hội công dân (société civile) Athènes hội tụ hai điều kiện ấy. Ðó là dân chủ trên cơ sở nô lệ, là tự do và bình đẳng trên cơ sở phi tự do và bất bình đẳng (đối với nô lệ).
Thể chế dân chủ Athènes tồn tại suốt thời gian người Athènes biết bảo vệ và bảo vệ được nền tảng của nó. Ðiều đó không đơn giản. Con người đã tự do, không gì ngăn cấm nó sử dụng năng khiếu riêng để áp bức người khác, biến người khác thành nô lệ. Ðiều đó sẽ tiêu diệt điều kiện cơ bản cho phép nó làm người tự do. Chính vì người khác chỉ bình đẳng với nó ở tính chất tự do, không lệ thuộc ai để sống. Ngoài ra, đương nhiên không có hai người bằng nhau. Do đó, một nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Athènes là : không sử dụng vũ lực để quyết định phải trái ; công nhận, tôn trọng, bảo vệ sự bình đẳng giữa mình với người khác, giữa những cá nhân khác biệt ; chấp nhận đối thoại, thảo luận, tranh luận như phương pháp duy nhất để tranh thủ sự đồng ý, đồng tình của người khác. Ở Athènes, lời nói, lý lẽ, sức thuyết phục là vũ khí nội trị cơ bản, vũ khí chính trị duy nhất giữa công dân. Có lẽ vì vậy Socrate thản nhiên uống thuốc độc thay vì rời bỏ Athènes : nơi ấy, ông được làm người tự do, tuy chính nơi ấy, con người đã dựa vào đa số để tước đoạt quyền làm người của ông. Không phải tình cờ đời sau coi ông như tổ sư của triết học tây âu. Tự sát, ông đặt một vấn đề cơ bản của triết học : quan hệ giữa tự do và sự thật. Cũng có lẽ vì vậy nền văn minh Athènes đã phát triển cao trong mọi lãnh vực, triết học, khoa học, nghệ thuật... và tới nay còn ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn minh âu châu. Nó là nền văn minh nhân bản vào bậc nhất trong lịch sử nhân loại.
Tóm lại, đặc điểm lớn nhất của chế độ cộng hoà Athènes là : sự tự do và bình đẳng có thực giữa những con người thực, con người cụ thể, làm nền móng cho nền dân chủ. Ðó là lý do khiến nền văn minh ấy không coi nô lệ là người. Khái niệm tự do hình thành ở Athènes vì công dân thực sự bình đẳng với nhau ở khía cạnh cơ bản nhất của thân phận người : họ không lệ thuộc nhau về mặt kinh tế. Ðây là khác biệt cơ bản giữa hình thái dân chủ trong cộng hoà Athènes với hình thái dân chủ trong những xã hội khác trong lịch sử. Nền dân chủ Athènes không lâu bền. Ðến nay, không ai hiểu vì sao nó hình thành thời đó, và chỉ ở đó. Một bài thơ độc đáo trong văn học của loài người.
Dân chủ và cách mạng tư sản Pháp
Mục 1 trong Tuyên ngôn quyền làm người, lời mở đầu cho Hiến pháp của Pháp, ghi quan điểm dân chủ của người Hy Lạp cổ dưới dạng khá lạ :
Les hommes naissent et demeurent libres et égaux en droits.
Văn phạm câu này hết sức nhập nhằng ở những từ en droits. Phải hiểu thế nào ?
Tại sao không viết rõ hơn ? Thí dụ :
1) Les hommes naissent et demeurent libres et égaux. (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng).
2) Les hommes naissent et demeure libres et égaux en droit. (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng trên nguyên tắc).
3) Les hommes naissent et demeurent libres et égaux devant la loi. (Con người sinh ra và tồn tại tự do và bình đẳng trước pháp luật).
Câu thứ nhất không chấp nhận được. Một mặt, nó không đúng sự thực : con người thời ấy không tự do và bình đẳng trong bất cứ lãnh vực nào. Mặt khác, không ai muốn vậy trong thực tế : quyền bầu cử tự do và bình đẳng, bước đầu dành riêng cho đàn ông, và trong đám đàn ông, dành riêng cho một thiểu số đủ sức nộp một mức thuế nhất định (vote censitaire), khoảng 10.000 người (theo trí nhớ).
Câu thứ hai càng không thể chấp nhận. Nó nêu rõ : tự do, bình đẳng chỉ là nguyên tắc, không có thực, tự do bình đẳng ảo. Ðối với người cách mạng tư sản, người muốn bắt thực tế tuân theo lẽ phải của lý trí, làm sao chấp nhận được.
Câu thứ ba, đối với con cháu Descartes, càng khó chấp nhận hơn : nó mâu thuẫn. Tự do trước pháp luật là điều vô lý. Chỉ có thể nói : trước pháp luật, anh trách nhiệm hành vi của anh vì anh tự do. Trước hết, con người phải tự do, rồi tự do phải làm nền tảng cho pháp luật, lúc đó con người mới có trách nhiệm trước pháp luật. Bình đẳng trước pháp luật, đương nhiên là tốt. Nhưng ai, với tư cách nào, có quyền lập luật, đặc biệt lập Hiến pháp, bộ luật cơ bản ? Với tứ cách là Moïse, mang Thánh luật ban bố cho nhân gian ? Người cách mạng tư sản Pháp không muốn tôn giáo điều khiển xã hội. Với tư cách đại diện dân ? Trên cơ sở nào ? Tự do và bình đẳng ! Tuyên ngôn xác định cơ sở xây dựng pháp luật. Không thể dựa vào luật pháp để viết Tuyên ngôn.
Viết mục 1 của Tuyên ngôn, các nhà cách mạng tư sản Pháp tỏ ra họ là những người trung thực : chấp nhận bế tắc tư tưởng bằng một câu văn nhập nhằng. Họ cũng tỏ rõ quan điểm của họ về dân chủ mâu thuẫn, lờ mờ.
Libres en droits, hoặc không có nghĩa, hoặc có nghĩa : tự do về một số quyền, không thực sự tự do. Dĩ nhiên, trong đời thực, không ai hoàn toàn tự do về mọi mặt. Nhưng trong tâm linh, mọi người đều có thể nghiệm sinh rằng tự do không có giới hạn. Hơn nữa, câu kia ngược với tinh thần dân chủ của người Pháp. Họ chấp nhận hạn chế tự do của mỗi người ở mức không xâm phạm tự do của người khác. Ngoài ra tự do, tự nó, không có giới hạn, không ai có quyền liệt kê con người tự do ở những điều gì. (Xem cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Sartre và Camus)
Égaux en droits có nghĩa bình đẳng ở một số quyền, đồng thời cũng có nghĩa không bình đẳng trong mọi quyền khác, không thực sự bình đẳng.
Tự do và bình đẳng ở lãnh vực nào, tới mức nào, đó là nội dung cơ bản của điều 2 trong Tuyên ngôn :
Le but de toute association politique est la conservation des droits naturels et imprescriptibles de l'homme. Ces droits sont la liberté, la propriété, la sûreté et la résistance à l'oppression.
Mục đích của mọi cơ chế chính trị là bảo tồn những quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm của con người. Những quyền đó là tự do, sở hữu, an toàn và chống đối sự áp bức.
Như thế, sau khi tuyên bố một cách nhập nhằng rằng tự do và bình đẳng là bản chất của con người, bước vào cụ thể, để xây dựng cơ chế chính trị pháp quyền, người ta loại bỏ bình đẳng khỏi quyền làm người, thay bằng quyền sở hữu. Nhưng vẫn giữ nguyên tắc tự do. Ðiều đó dễ hiểu.
Tự do có một trạng thái hoàn toàn trừu tượng đối với quan hệ sở hữu. Trong trạng thái ấy, ngay người nô lệ cũng tự do. Ðiếu ấy thể hiện qua mẩu truyện nổi tiếng về Épictète, một triết gia nô lệ thời Hy Lạp cổ, phái stoïcien : chủ bẻ tay ông ; ông thản nhiên nói : Coi chừng nhé, nó sẽ gẫy đấy ; qua thái độ đó, ông thể hiện tính tự do bất khả xâm phạm của mình. Trạng thái tự do này không trừu tượng vì nó là một hiện tượng tâm linh. Trong nghĩa đó, tự do của bất cứ ai cũng là hiện tượng tâm linh, cũng trừu tượng. Nó trừu tượng ở chỗ nó không thể hiện một quan hệ xã hội tự do. Nó trừu tượng đối với quan hệ sở hữu thời ấy. Trong quan hệ xã hội thực, Épictète là nô lệ. Ông chỉ tự do trong quan hệ với chính mình. Hồn ông của riêng ông, thân ông của chủ. Trong lãnh vực riêng, ông muốn nghĩ gì thì nghĩ không ai cấm được. Thậm chí, trong quan hệ riêng với vợ con, bè bạn v.v. ông có thể muốn làm gì thì làm, miễn sao ông không vi phạm quyền sở hữu của chủ trên chính thân ông và những người ấy : ông có thể yêu hay ghét con, không thể cấm chủ bán con ông. Nền dân chủ tư sản công nhận quyền tự do của con người trong nghĩa trừu tượng ấy : con người hoàn toàn tự do trong phạm vi đời sống riêng. Trong quan hệ xã hội, nó giới hạn tự do vào không gian chính trị, không gian duy nhất nó chấp nhận sự bình đẳng giữa người với người qua lá phiếu kín.
Quyền sở hữu cũng được nêu trong tinh thần đó, với ý ngược lại : trong trừu tượng ai cũng có quyền như ai, trong thực tế, không nhất thiết họ bình đằng về mặt sở hữu, kể cả sở hữu mảnh đất chung của họ. Mảnh đất do trời, lịch sử và ngẫu nhiên tặng từng người, về chính trị, là của chung, ai cũng có nhiệm vụ đổ máu bảo vệ, về kinh tế là của riêng, mạnh ai nấy chiếm (đúng hơn, mạnh ai nấy mua). Chính trị dân chủ, kinh tế độc quyền. Ngay ngày nay, sau khi chế độ tư bản đã thay đổi nhiều để tồn tại, chẳng mấy ai điên đi tìm dân chủ trong quan hệ kinh tế. Bước vào sở, vỡ mộng ngay !
Khái niệm bình đẳng không tình cờ biến mất trong mục 2 của Tuyên ngôn. Những nhà cách mạng tư sản Pháp thoát thai từ xã hội phong kiến. Ðối với chế độ phong kiến, họ thiếu tự do. Ðối với dân đen họ thừa sở hữu. Trong thực tế, họ cần một chế độ đảm bảo cho những người nắm phương tiện sản xuất được tự do làm ăn. Trong lý tưởng, họ đi xa hơn giới hạn lịch sử ấy vì họ là những người cách mạng chân chính. Bất cứ cuộc cách mạng chân chính nào cũng vươn xa hơn (về mặt lý tưởng) những mục đích trước mắt của nó, vì nó chỉ có thể chiến thắng nếu nó thu hút được đa số cộng đồng xã hội. Do đó, nó phải ghi trong cương lĩnh nguyện vọng của đa số : tự do và bình đẳng. Cũng do đó, nó ghi những điều ấy dưới dạng mập mờ, mâu thuẫn, khó hiểu. Nhưng dễ cảm. Les hommes naissent libres et égaux ... en droits !
Marx và nền dân chủ tư sản.
Trong Tư bản luận, Marx có lời bình hay về đề tài này : tự do và bình đẳng là nền tảng tự nhiên của phương thức sản xuất tư bản. Tự do cá nhân chính là điều kiện hình thành, tồn tại và phát triển cơ bản của nền sản xuất ấy, vì nó dựa trên sự mua bán sức lao động. Thị trường lao động là cốt lõi của phương thức sản xuất tư bản. Không có nó, phương thức sản xuất ấy ắt tiêu vong, tiền không thể biến thành tư bản, không thể đẻ ra tiền. Thị trường lao động đòi hỏi con người tự do, con người đủ thẩm quyền bán sức lao động của mình, bán chính mình. Con người ấy không có trong xã hội nô lệ, nông nô. Một vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, chính là giải phóng nông nô, biến nó thành người tự do, người có quyền bán chính mình. Bình đẳng là nguyên tắc cơ bản trong sự trao đổi hàng hoá. Nó là nền tảng của thị trường nói chung, của thị trường tư bản nói riêng trong đó có thị trường lao động. Trong thị trường lao động, con người thực sự tự do và bình đẳng với nhau, hoặc với tư cách người bán sức lao động, hoặc với tư cách người mua sức lao động, qua tự do cạnh tranh ; họ cũng thực sự tự do và bình đẳng trong quan hệ mua và bán sức lao động, không ai ép ai, mua và bán đúng giá thị trường. Tóm lại, họ tự do trong tư cách mỗi người làm chủ chính mình, họ bình đẳng trong tư cách họ là hàng hoá, có thể trao đổi với nhau trên nguyên tác cân bằng. A=B=10.000 F / một tháng có nghĩa : A và B cùng thuộc tính, không khác nhau về chất (identité de nature, commensurabilité, đồng chất, cùng thước đo), tuy có thể khác nhau về lượng (trong trường hợp ấy : A=xB).
Trên cơ sở hai nguyên tắc ấy, kinh tế tư bản đã dẫn tới loại xã hội nào trong những thế kỷ 18, 19, chắc chẳng cần nhắc. Ðó là chưa nói tới thuộc địa và hai cuộc chiến tranh thế giới. Vì thế, sau khi đề cao tính chất cách mạng và vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, Marx lại cười nhạt và thêm sau từ Fraternité từ Bentham, tên một triết gia nổi tiếng với luận điểm : con người vốn ích kỷ, nhưng rốt cuộc, chính sự ích kỷ của từng người sẽ mang lại sự tiến bộ, tốt lành cho xã hội, cho loài người. Thật ra, luận điểm này chín mùi từ E. Kant[2]. Nhưng chính Kant cũng thấy nó phi lý nên ông chấp nhận : lý của nó ẩn nấp trong một mẹo của tạo hoá vượt kiến thức của con người.
Quyền sở hữu thiêng liêng nhưng không bình đẳng, không có gì cấm cản có người sở hữu điều kiện tồn tại của người khác, khiến người khác chỉ còn cách "tự do" bán chính mình để nuôi thân, và do đó mất tự do. Người đi làm thuê, bước chân vào hãng sở, hiểu liền. Càng hiểu thấm thía khi bị đào thải. Ở Pháp có một thị trường tự do khủng khiếp, trong đó một nhúm người tự do mặc cả cuộc sống của 3 triệu người thất nghiệp. Dĩ nhiên người thất nghiệp tự do bán, hoặc tự do ngắc ngoải. Có khi muốn bán với bất cứ giá nào cũng chẳng ai thèm mua. Trong quan hệ ấy, người thất nghiệp, tuy tự do, đã trở thành con người không cần thiết cho xã hội, chết sống cũng như không. Nó không còn là người đối với người. Nó là đồ thừa. Nói cách khác nó tự do trong tưởng tượng, bất lực trong thực tế. Biểu hiện cụ thể của tự do là khả năng hành động[3] trong nghĩa khả năng thực thụ quyết định sự diễn biến của xã hội, của đời mình. Khi con người bất lực tới mức hoàn toàn lệ thuộc kẻ khác để tồn tại, con người ấy không thực sự tự do.
Từ tự do trên cơ sở bất bình đẳng tới bình đẳng trên cơ sở lệ thuộc nhau
Nền dân chủ tư sản Pháp phát triển đã hơn hai trăm năm nhờ động lực của mâu thuẫn cơ bản ấy : tự do và bình đẳng về chính trị, thể hiện năm bẩy năm một lần qua lá phiếu kín, lệ thuộc và bất bình đẳng về kinh tế, thể hiện hàng ngày qua đồng lương. Tuy nó đã thay đổi nhiều để thích hợp với sự phát triển của bản thân nó và của thế giới, về bản chất, mâu thuẫn ấy vẫn là nét đặc thù của nó. Vì vậy, trong những cuộc tranh luận ý thức hệ, những người bảo vệ nó, dưới nhiều hình thái khác nhau, cơ bản vẫn dùng những luận điểm có từ thế kỷ 19. Có hai luận điểm thường được đề cao.
1) Con người tự do mới phát huy hết trí tuệ, năng lực của mình, khiến loài người tiến bộ nhanh. Ðiều này, từ lâu, chẳng ai phủ nhận.
2) Trong thực tế, con người không bình đẳng, do đó, bất bình đẳng về sở hữu (và qua đó về quyền lực và hưởng thụ) mới thực sự công bằng, mới kích thích con người vận dụng hết năng khiếu của mình, chịu trách nhiệm về hành động của mình... Ðiều đó làm kinh tế, khoa học, kỹ thuật, xã hội phát triển... v.v. và v.v.
Sự khác biệt giữa những con người cụ thể là chuyện tự nhiên. Nói chung, đó là điều kiện hình thành mọi hiện thể, con người, con thú, đồ vật... Nhưng chỉ có loài người mới rút ra từ sự khác biệt ấy khái niệm bình đẳng. Khái niệm dân chủ đáng làm đề tài thảo luận vì nó bao hàm khái niệm bình đẳng (one man, one vote). Nếu không, lấy tự do của rừng già làm luật chơi giữa người với người là tự nhiên nhất. Chế độ tư bản không đặc biệt ở chỗ nó chấp nhận sự khác biệt giữa những con người cụ thể. Ðiều đó, chẳng ai chối từ được, chẳng ai mất thời giờ phản đối. Nó đặc biệt ở chỗ nó rút ra từ sự thực ấy kết luận : nó phải đẫn tới sự bất bình đẳng về sở hữu dưới dạng tư hữu. Ðiều ấy nhất thiết chăng ? Có ba cách trả lời :
1) Nhất thiết và vĩnh viễn nhất thiết. Ðó là câu trả lời của triết gia tư sản. Quan điểm này dẫn tới kết luận : từ thời thượng cổ tới nay, con người vẫn vậy, không có gì mới dưới mặt trời nhân giới ! Thí dụ : mua bán nô lệ hay mua bán sức lao động cũng thế thôi, đều là mua bán người. Không thấy công nhân khác nô lệ ở chỗ nó tự do !
2) Không nhất thiết nữa, có thể đổi ngay. Ðó là câu trả lời của các đảng cộng sản trong các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực. Do đó mà quốc hữu hoá, hợp tác hoá cả nghề thủ công.
3) Nhất thiết cho tới khi phương thức sản xuất tư bản phát huy hết khả năng và vai trò, nâng tính chất xã hội của lực lượng sản xuất tới mức một quan hệ sở hữu bình đẳng trở thành nhất thiết. Ðó là câu trả lời của Marx.
Khôi hài thay, quan điểm 1 hoàn toàn phù hợp với quan điểm 3 ở một điểm : anh muốn hay không, sẽ vậy. Nói cách khác, lịch sử phát triển theo quy luật khách quan, độc lập với ý muốn của từng người, anh không tự do như anh tưởng. Có lẽ vì vậy bản trường ca phong phú, sâu sắc, đẹp nhất, kể cả về mặt văn chương, ca tụng chủ nghĩa tư bản chính là Tư bản luận. Và người tư sản có thể tự hào trích Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản làm tuyên ngôn của mình. Hai bản tuyên ngôn hay nhất về chế độ tư bản là Tuyên ngôn quyền làm người và Tuyên ngôn của Ðảng cộng sản. Có lẽ vì bản sau là con đẻ của bản trước.
Khuynh hướng chung trong sự phát triển nền dân chủ tư sản Pháp có hai nét cơ bản : ngày càng tự do và bình đẳng về mặt chính trị, ngày càng bớt tự do, bớt bình đẳng về mặt kinh tế.
Năm 1814, ở Pháp, 90.000 người có đủ tư cách (tiền) để bầu cử, 15.000 có đủ tư cách để ứng cử. Năm 1848, cũng trên tiêu chuẩn ấy, có 141.000 người có đủ tư cách để bỏ phiếu[4]. Mãi tới năm 1936, nhờ Mặt trận bình dân, quyền bầu cử của phụ nữ mới được công nhận.
Song song với sự phát triển ấy, sự bất bình đẳng về sở hữu phương tiện sản xuất cũng phát triển, đặc biệt nhanh trong thế kỷ 20. Từ 1958 đến 1981, số người sống với tư cách làm thuê (salariés), tức là sống bằng cách bán sức lao động, bán chính mình, so với tổng số người lao động (actifs), phát triển như sau[5] :
Pháp |
từ 69% đến 83% |
Ý |
từ 57% đến 71% |
Ðức |
từ 76% đến 86% |
Tiếp tục đà này, vào thế kỷ 21, có lẽ hầu hết người Pháp sẽ tồn tại với tư cách là người bán sức lao động, hoặc làm công chức cho Nhà nước, hoặc làm thuê cho tư nhân. Hoặc thất nghiệp.
Quá trình phát triển này có khi do chính Nhà nước cưỡng ép. Thí dụ các luật giới hạn quyền khai thác trẻ con, các luật cấm cha mẹ bán sức lao động của con trước một tuổi nhất định. Thời ấy, các em 5 hay 6 tuổi lao động 14 tiếng một ngày tương đối phổ biến. Cha mẹ quá nghèo phải bán sức lao động của con để sống. Nhưng, cơ bản, sự phát triển ấy do những cuộc đấu tranh giai cấp, lắm khi đẫm máu. Năm 1870, dẹp Công xã Paris, chánh quyền cho bắn khoảng 30.000 người và sau đó bỏ tù, đầy ải hơn 10.000 người[6].
Sau chiến tranh thế giới 2, có chuyển biến quan trọng trong thể chế dân chủ Pháp : thành lập bình đẳng sở hữu toàn dân trong một số lĩnh vực kinh tế quyết định thông qua quốc hữu hoá. Ðiều này thực ra có từ lâu. Nhưng trong thế kỷ 20, nó phát triển tới mức lượng có thể biến thành chất. Người ta ước lượng, hiện nay, trong các nước tư bản âu châu, phần kinh tế quốc doanh, trực tiếp hoặc gián tiếp, chiếm hơn 1/3 nền kinh tế. Thật ngược cả quyền tư hữu thiêng liêng lẫn quy luật thị trường ! Người ta lý giải bằng nhiều lẽ. Số vốn cần thiết quá lớn cho tư nhân ? Ðiều này đúng. Nhưng cứ mặc thị trường giải quyết cũng được : ở Mỹ, Nhật, thiếu gì hãng tư có khả năng đầu tư vượt khả năng đầu tư của bất cứ quốc gia âu châu nào. Ðó là lãnh vực phục vụ cộng đồng ? Như thế là chấp nhận sự bình đẳng kinh tế ! Có lẽ lý do thật đơn giản hơn nhiều : không làm thì chết. Những cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn tới hai thế chiến, những mâu thuẫn giai cấp liên miên căng thẳng, sự bành trướng của phe "xã hội chủ nghĩa" đã trực tiếp đe dọa sự tồn tại của xã hội tư bản. Không thể để tư nhân, trên cơ sở quyền tư hữu phương tiện sản xuất, tự do lấy tất cả những quyết định kinh tế có thể ảnh hưởng tới sinh mạng cộng đồng dân tộc[7]. Vai trò của Nhà nước, đảm bảo tự do và quyền tư hữu, tự do trên cơ sở bất bình đẳng về tư hữu và bất bình đẳng về tư hữu trên cơ sở tự do cạnh tranh, đương nhiên vẫn còn, vẫn cơ bản, nhưng vai trò can thiệp vào đời sống kinh tế, điều hoà quan hệ xã hội, đảm bảo sự bình đẳng tối thiểu giữa người với người với tư cách người nói chung, bất chấp quyền tư hữu và quy luật thị trường, ngày càng nặng. Ðó là nét lớn nhất trong sự phát triển của nền dân chủ tư sản âu châu sau chiến tranh thế giới 2. Nó phù hợp với luận điểm của Marx : quá trình xã hội hoá ngày càng sâu đậm của lực lượng sản xuất, trong đó có phương tiện sản xuất và người lao động, tự nó sẽ buộc xã hội thay thế tư hữu bằng những hình thái sở hữu thích hợp hơn. Riêng ở điều này, các nhà kinh tế, chính trị tư bản là học trò giỏi của Marx, ít nhất cũng giỏi hơn các đảng cộng sản cầm quyền trong thế kỷ 20.
Một hiện tượng quan trọng khác, mới xuất hiện từ khoảng 20 năm nay ở xã hội Pháp. Người ta phát hiện kinh tế, thậm chí sinh hoạt xã hội, có thể bị rối loạn trầm trọng do hành vi của một số ít người trong một nghề : đổ rác, giao thông, vận tải, y tá... Ðúng theo lôgíc thị trường, mọi nghề phải được xử lý theo hiệu quả kinh tế. Giá trị thực của từng người phải để thị trường lao động quyết định. Nhưng khốn thay, cứ để nó tự quyết định, xã hội có thể tan tành : thị trường tự do không còn khả năng điều hoà xã hội. Ðiều này có nghĩa : sự phân công lao động cụ thể (nghề này nghề nọ) trong xã hội, sự xã hội hoá nền sản xuất đã đạt mức không ai tồn tại riêng lẻ được, anh này muốn sản xuất phải tùy thuộc anh kia một cách cụ thể, đơn thuần kỹ thuật. Có nghĩa con người bắt đầu lệ thuộc nhau, không chỉ ở tính chất trừu tượng : đồng lương, giá trị trao đổi của người làm thuê, mà ngay ở tính chất cụ thể của họ : thợ hốt rác, phi công, tài xế... Do đó, dù anh giàu, mạnh, dù anh chiếm đa số, anh không thể tồn tại ngoài sự hoà thuận với tôi, anh không thể dựa vào sự bất bình đẳng về tư hữu để điều khiển tôi, điều khiển toàn bộ xã hội, anh phải tôn trọng quyền sống của tôi ngay trong tư cách cụ thể của người hốt rác, người lái xe, anh phải san sẻ với tôi, bất chấp quy luật trao đổi của thị trường lao động. Ðó là một trong những nền tảng thiết thực, "duy vật", của hình thái dân chủ đa nguyên (démocratie pluraliste), dân chủ hoà thuận (démocratie consensuelle) mới xuất hiện. Ðó là bình đẳng cụ thể trên cơ sở sự lệ thuộc nhau cụ thể trong sản xuất. Ðó là tự do cụ thể (của tài xế) trên cơ sở sự bình đẳng cụ thể (giữa ngành nghề, qua sự lệ thuộc lẫn nhau. Bình đẳng ở chỗ lệ thuộc nhau). Ðối với người suy luận theo phương pháp biện chứng, sự phát triển ấy đương nhiên. Dĩ nhiên, hiện thực này mới nhen nhúm không thường xuyên, chưa đi vào thể chế. Nhưng cũng đủ để nhiều nhà lý thuyết chú ý và tuôn khá nhiều mực.
Cuối thế kỷ 20, chế độ tư bản không còn đối trọng trong lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, thậm chí trong lãnh vực tư tưởng. Phe "xã hội chủ nghĩa" đã tiêu vong. Hai nước "xã hội chủ nghĩa" lớn cuối cùng, Trung Quốc và Việt Nam, đang nhào vào thị trường tư bản thế giới, thành lập chế độ tư bản rừng ngay tại bản xứ. Trong hoàn cảnh như thế, với tất cả kinh nghiệm điều hoà tích lũy qua lịch sử, tự nó chế độ tư bản vẫn phải sống liên miên trong khủng hoảng. Trong quan hệ nội bộ của từng quốc gia, nó phải dùng những biện pháp phi kinh tế, phi thị trường để cứu vãn sự tồn tại của nó. Trong quan hệ quốc tế giữa các nước tư bản lớn, nó phải tìm cách tránh vũ lực để giải quyết mâu thuẫn quyền lợi. Còn quan hệ của nó với các nước chậm tiến thế nào ? Về mọi mặt, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, thậm chí nhân đạo, mấy năm qua có nhiều điều khuyên ta lạnh lùng suy ngẫm : Panama, Grenade, Irak, cấm vận với Việt Nam, sự trao đổi ngày càng chênh lệch giữa các nước, văn hoá rẻ tiền Mỹ... tùy mầu da, mạng người này đâu bằng mạng người khác...
Trong cộng đồng nhân loại hôm nay, kinh tế, đương nhiên là thị trường, mỗi năm giết người nhiều, nhanh, gọn, êm, hơn chiến tranh thế giới 2 (hơn 50 triệu trẻ em). Trong cộng đồng ấy, cái gì cho phép người Việt cụ thể, người sống thực, biết đau và biết chết, tin rằng nó sẽ được coi như người bình đẳng với người tây âu ? Thị trường tự do ?
Marx và chủ nghĩa xã hội
Từ khi phe "xã hội chủ nghĩa" đắm thuyền, ở Pháp có hiện tượng lạ. Ngày nào cũng có học giả chôn Marx trên lãnh vực này hay lãnh vực nọ. Chôn đi chôn lại không biết bao nhiêu lần, vẫn có nhu cầu tiếp tục chôn. Ðiều đó có nghĩa ông còn sống trong hiện thực xã hội, và sẽ sống tới ngày chẳng còn ai buồn chôn ông nữa. Như biết bao nhà tư tưởng lớn khác.
Lý do đơn giản : Marx viết rất ít về chủ nghĩa xã hội. Chôn các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực không đủ để chôn tư tưởng của ông. Là người duy vật, ông không ưa suy luận suông. Học thuyết của ông tập trung phân tích những gì đã có, đang có, đang phát triển trong thời ông, đặc biệt phương thức sản xuất tư bản. Ông ảnh hưởng cả nền văn minh tây âu trong suốt thế kỷ không do tình cờ : tác phẩm của ông là con đẻ của nền văn minh tư sản.
Về chế độ xã hội chủ nghĩa, Marx chỉ nêu vài nguyên tắc cơ bản, rút ra từ phương pháp lý luận biện chứng duy vật. Ở đây triết học của Marx quả còn điều chưa thực sự rõ nghĩa, do đó môn duy vật lịch sử có điểm lờ mờ, khiến nhiều người hiểu một cách máy móc, thô sơ, rất thích hợp với lòng mộ đạo và đức tính cả tin của quần chúng cùng cực. Ta có thể nôm na tóm tắt như sau.
Ðặc điểm lớn nhất của loài người là nó tự tạo điều kiện tồn tại, tự tạo phương tiện sản xuất. Ðiều đó đòi hỏi sự hợp tác giữa người với người ngay từ đầu, ngay trong những cộng đồng nguyên thủy. Chính quá trình hợp tác ấy sinh ra khả năng tư duy, khả năng ngôn ngữ. Con người là con vật xã hội, tư duy và ngôn ngữ là sản phẩm xã hội trong nghĩa đó. Nói cách khác, con người ý thức mình là mình, một cá nhân, xuyên qua quan hệ xã hội. Ðó là nền tảng của khái niệm người nói chung, của ý thức ta là ta với tư cách ta bằng người khác, vì bản thân cuộc sống, tư duy và ngôn ngữ của ta có một tác giả duy nhất : cộng đồng, kể cả người đã chết, trong đó có ta.
Trong cộng đồng nguyên thủy, con người bình đẳng với nhau trên cơ sở họ hoàn toàn lệ thuộc nhau để tồn tại vì họ quá lệ thuộc thiên nhiên : không ai tách riêng khỏi cộng đồng mà tồn tại được. Trong những cộng đồng ấy, không thể hình thành chế độ nô lệ. Bắt được người, hoặc giết, thậm chí ăn thịt gặm xương, hoặc thả, hoặc cho nhập bọn. Lý do đơn giản : người nô lệ chỉ ích lợi khi nó có khả năng sản xuất hơn những gì cần thiết để nuôi thân. Trình độ của lực lượng sản xuất thời đó không cho phép thực hiện chuyện đó.
Kỹ thuật phát triển đòi hỏi phân công lao động xã hội dựa trên sự khác biệt tự nhiên giữa con người : nam đi săn, nữ nhặt hái. Bước đầu, nhặt hái công hiệu và đảm bảo hơn săn. Ðó là nền tảng hình thành chế độ mẫu hệ. Sau, với sự phát triển của kỹ thuật săn, kỹ thuật nuôi gia thú, nam át nữ, chế độ phụ hệ hình thành.
Lực lượng sản xuất phát triển, con người đạt khả năng sản xuất nhiều hơn phần tối thiểu cần thiết để nuôi thân. Ðiều đó mở đường cho chế độ nô lệ. Người bị nô lệ hoá đầu tiên, chính là người đàn bà. Dễ hiểu. Và đáng thương cho đàn ông (lời bình, Trần Ðạo).
Cũng thời đó, thị trường, nơi con người trao đổi sản phẩm với nhau, xuất hiện : đã có con người vừa tự do (trong tư cách chủ sản phẩm) vừa có thừa sản phẩm. Nó trao đổi đồ thừa của nó với đồ thừa của người khác. Vì thị trường hình thành ngay từ thuở xa xưa ấy nên tới thế kỷ 19, và ngay ngày nay, tuy ít, vẫn có người, kể cả nhà lý thuyết kinh tế, xã hội học, triết học, tưởng thị trường và sự trao đổi hàng hoá là hiện thực vĩnh cửu trong xã hội loài người.
Quan điểm ấy khiến ta không thấy được nét đặc thù của thị trường tư bản. Thị trường tư bản khác các thị trường đã hình thành trong lịch sử ở một điểm cơ bản. Trong thị trường tư bản có một món hàng gốc, quyết định bản thân nền sản xuất tư bản, bản thân sự vận động của thị trường, bản thân sự tồn tại của xã hội tư bản. Món hàng ấy chỉ xuất hiện trong lịch sử loài người với phương thức sản xuất tư bản. Món hàng ấy là con người tự do.
Tai hại hơn, quan điểm trên khiến ta không hiểu con người thế kỷ 20 giống và khác người thượng cổ ở chỗ nào. Với tư cách con vật có khả năng tư duy qua ngôn ngữ, con người nói chung, không những họ giống nhau, họ còn có chung một phần kho tàng nhân cách, văn hoá của nhân loại. Ngoài ra, họ không có gì chung, họ hoàn toàn khác nhau.
Từ thời nô lệ tới nay, xã hội loài người phát triển do một mâu thuẫn cơ bản : con người càng tự do đối với thiên nhiên bao nhiêu, càng lệ thuộc nhau bấy nhiêu. Nói theo ngôn ngữ mácxít, lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hoá. Mâu thuẫn ấy phát triển xuyên qua hình thái sở hữu phương tiện sản xuất : nô lệ, nông nô, tư bản.
Phương thức sản xuất tư bản phát triển tự do cá nhân tới mức tột đỉnh, trong mọi lãnh vực, trừ lãnh vực kinh tế, trừ trong quan hệ sản xuất. Nhưng chính sự phát triển của nền sản xuất ấy, thông qua sự xã hội hoá ngày càng sâu rộng của lực lượng sản xuất, sẽ buộc quan hệ sản xuất (mà gốc lõi thể hiện ở hình thái sở hữu) phải thay đổi. Ðiều đó sẽ mở đường cho sự hình thành một phương thức sản xuất mới, phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa, trong đó chế độ công hữu (bình đẳng về quyền sở hữu) mâu thuẫn với sự chênh lệch có thực về năng khiếu giữa những con người thực. Do đó, xã hội xã hội chủ nghĩa cũng sẽ phải tự phủ định. Chỉ khi nào sản xuất phát triển tới mức con người hết lệ thuộc thiên nhiên, đến lúc điều kiện vật chất để tồn tại không còn quyết định cuộc sống của nó, đến lúc miếng ăn hết là miếng nhục, thì con người mới thực sự trở thành con người tự do và bình đẳng. Lúc đó, thời tiền sử của nhân loại chấm dứt, một nhân loại mới hình thành, nhân loại tự do. Nhân loại ấy, xã hội cộng sản ấy, không ai hình dung được nó sẽ thế nào (may thay !). Chỉ có nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, thỉnh thoảng linh cảm được trong những lúc quá yêu (lời bình của Trần Ðạo, xin chớ gán cho Marx).
Marx suy luận như thế nào, trên cơ sở kiến thức nào, để phân tích, diễn giải quan điểm ấy về quá trình tiến hoá của xã hội loài người, đó là nội dung cơ bản, khá phức tạp, còn chưa thật rõ, của các môn duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, vài lời nôm na, thô thiển trên, không thể coi như trình bầy trung thực lý luận của ông. Muốn tìm hiểu tư tưởng và phương pháp luận của ông nên trực tiếp đọc tác phẩm của ông.
Xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực và Marx
Tới đây, bạn đọc có thể hỏi : cái xã hội xã hội chủ nghĩa hiện thực vừa phá sản kia, vì sao có được, tại sao đứng vững trong bấy nhiêu năm, vì sao suy sụp nhanh thế, dễ dàng thế ?
Hai vế đầu của câu hỏi lớn và phức tạp tới mức trong cả thế kỷ 20 chưa ai hiểu được, ít nhất tới mức phỏng đoán sự sụp đổ mau chóng của những chế độ ấy. Do đó, khi hiện tượng khổng lồ ấy xẩy ra, mọi người chưng hửng, bối rối. Dĩ nhiên, tác giả cũng không có khả năng hiểu tới mức thích đáng. Có lẽ chỉ người sống trong lòng nó mới hiểu được.
Vế thứ ba, buồn cười thay, rất thích hợp với luận điểm của Marx. Các chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực đều xây dựng trên nền kinh tế lạc hậu, phong kiến hoặc thực dân, sau một cuộc chiến tranh. Ở đó lực lượng sản xuất chưa đạt mức xã hội hoá cao như ở các nước tư bản. Khoác vào chúng những quan hệ công hữu (sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể) là tạo một mâu thuẫn chỉ có thể dẫn tới sự phá sản của quan hệ sản xuất, nền tảng của cơ chế chính trị. Ngược lại, xây dựng quan hệ sản xuất tư bản, không chóng thì chầy, sẽ dẫn tới sự tiêu vong của cơ chế chính trị phi tư bản. Ðiều này vừa có thể áp dụng cho Trung Quốc, Việt Nam, và... Thái Lan, Nam Triều Tiên.
Tìm hiểu và giải đáp hai vế đầu là đề tài nghiên cứu quan trọng, bổ ích. Có thể nó giúp ta hiểu rõ xã hội Việt Nam ngày nay, tránh những quan điểm tai hại khi thay đổi nó. Nhưng có lẽ, đối với ta hiện nay, có những câu hỏi cấp bách hơn. Trong thế kỷ này và thế kỷ tới, với những phương tiện sản xuất hiện đại, với con người hôm nay, trong tình hình quốc tế hiện tại, những bước đường xương máu dẫn từ xã hội tư bản rừng tới nền dân chủ đa nguyên tư sản trên cơ sở một nền kinh tế 1/3 quốc hữu, 2/3 tư hữu, còn thích hợp, hữu hiệu, cần thiết, hay không ? Có thể rút giai đoạn ở những khâu nào, vì sao ? Có thể sáng tạo gì mới không ? Rõ ràng người Hy Lạp cổ đã sáng tạo một thể chế vượt khả năng hiểu biết, suy luận của các nhà lý luận từ cổ tới kim, một thể chế khó hình dung trong thời đại của họ. Tình hình thế giới hôm nay rất mới lạ, tại sao phải suy nghĩ theo đường mòn của người khác ? Từ nền văn hoá cổ truyền của ta, từ nghiệm sinh 50 chiến tranh và 17 năm chế độ cộng sản trên toàn quốc, ta rút được những gì giúp ta mở đường cho một tương lai nhân bản nhất ? Hay chỉ biết nhại lại những gì phe này phe kia tố nhau từ hơn 200 năm ?
Có điều chắc chắc : ta không thể mơ hồ rằng thị trường tự do hôm nay sẽ ưu đãi người Việt, tặng cho riêng người Việt những gì nó không cho chính dân của các nước tư bản phát triển. Ðối với người chung thân phận với người Việt, trong đó có người tây âu, đối với 4/5 nhân loại, cũng vậy.
Khi khoa học mù tịt, khi chính trị bất lực, khi trí tuệ đầu hàng
Khái niệm tự do dễ hiểu qua sự nghiệm sinh hàng ngày. Mỗi lần bực bội thấy mình bị lấn áp, ta hiểu mình tự do. Khái niệm bình đẳng khó hiểu hơn. Trong đời này, không đâu ta thấy có hai người bình đẳng với nhau. Tuy vậy, những cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu trong quá trình hình thành và phát triển của nền dân chủ tư sản, những chế độ và chiến tranh thuộc địa, có thể đi tới diệt chủng như ở Mỹ, hai thế chiến, những chiến tranh đế quốc của Mỹ, Liên xô, nguy cơ tiêu diệt nhân loại qua chiến tranh hạt nhân, hoá học, sinh học... sự đau khổ, chết chóc của 4/5 nhân loại hôm nay, cũng đủ làm ta hiểu : lấy tự do của rừng già, dù là thông qua thị trường tự do, làm luật chơi giữa người với người là chuyện không thể chấp nhận. Con người dù sao vẫn là con người, one man one vote, not only on political rights ! Un homme fait de tous les hommes, qui les vaut tous et que vaut n'importe qui[8]. Phi lý ? Phi kinh tế ? 7 chính phủ các nước giàu mạnh nhất, với những phương tiện khoa học, kỹ thuật hiện đại khổng lồ, với sự trợ giáo của các bậc thầy kinh tế, vẫn bất lực trong ý muốn điều hoà kinh tế, mở đường cho sản xuất phát triển. Ðiều đó cho thấy rõ : cái lý tự nhiên của thị trường tư bản đã bắt đầu thắt họng kinh tế và xã hội của chính các nước tư bản hùng cường nhất. Thị trường tự do là xiềng nô lệ lớn nhất của nhân loại ngày nay. Qua nó con người lệ thuộc hành động và sản phẩm của chính mình tới mức trầm trọng chưa từng thấy. Ðó là sự phi lý nhất trong thời đại khoa học này. Sự bất lực của các chính khách cộng với sự cam phận, vuốt đuôi, của các nhà tư tưởng, của giới trí thức, trước những quy luật thép của thị trường là nền tảng của thái độ thờ ơ với chính trị, nghi ngờ và khinh bỉ chính khách, người trí thức, trong quần chúng tây âu ngày nay. Nôm na : chúng mày đã chấp nhận bất lực thì chúng mày chạy theo quyền lực, danh vọng, để thủ lợi riêng, chẳng chính trị chính em, chẳng nhân nghĩa gì hết. Mà thế thật ? ! Thái độ đó mở đường cho những cuộc phiêu lưu nào, ta còn nhớ : Hitler, ta đang thấy : Le Pen.
Vì sao, tuy không có ông A nào bằng ông B, với tư cách người, ta vẫn thấy ta bằng mọi người, mọi người bằng ta ? Cái gì, trong quá trình hình thành nhân cách của ta, khiến ta linh cảm điều ấy, khiến ta có khái niệm ấy ? Trong quá trình hình thành tư duy của con người qua các thời đại, trong quá trình hình thành tư duy của chính ta, người của thế kỷ 20, cái gì khiến ta thấy ta bằng mọi người, mọi người bằng ta ? Ðây là vấn đề nan giải. Việt Nam có nhà triết học mácxít tìm hiểu nghiêm túc vấn đề này, Trần Ðức Thảo. Ở châu Âu, có những phái như hiện tượng học, chủ nghĩa hiện sinh... Không thuộc phái nào, có cây bút xuất sắc của Hannah Arendt. Vì khoa học chưa giải đáp được hiện thực tâm linh ấy, vì chính trị không giải quyết thoả đáng yêu cầu ấy, khát vọng bình đẳng giữa người với người phải nhường tôn giáo, triết học, văn học. Tự do, Bình đẳng, Nhân ái ; Il y a plusieurs demeures dans la maison de mon Père[9] ; Chúng sinh đều vô tội ; Nhân sinh tứ hải gia huynh đệ ; Bốn nghìn năm ta lại là ta... Khi cha mẹ vu vơ dậy ta : ở đời, phải ăn ở cho có tình, với bộ óc "khoa học", ta thấy phi lý. Với tấm lòng người Việt, ta thấy phải vậy. Có lẽ vì thế người cầm quyền thích nói chuyện đạo đức, ít khi sống và hành động phải đạo. Họ khéo vận dụng tình người vô hạn của người khác để phục vụ lý trí giới hạn của họ.
Tại sao ta không hiểu nổi chính ta trong khát vọng bình đẳng ? Phải chăng vì kiến thức của ta chựng lại trong nguyên tắc của Aristote : A chính là A, Không A chính là không A. Ta không thể hình dung được A chính là không A, vì không A là chuyện ngớ ngẩn nếu không có A, do đó không A chỉ là sự phủ định của A, không thể là chính mình và, trong nghĩa đó, không A chính là A ! Ta sẵn sàng công nhận ta chính là ta, tuy không bao giờ định nghĩa được ta là gì, nhưng ta không dám chấp nhận : ta chưa là ta, ta chỉ có thể trở thành ta xuyên qua người khác, tuy đó là thực tiễn hàng ngày của ta, ngay ở mức thô sơ nhất : nồi cơm. Ta chỉ biết là kỹ sư, nhà toán học, giáo sư đại học, giám đốc nghiên cứu của CNRS, nhà kinh tế, xã hội học, triết gia, ta chỉ biết là người làm thuê, hoặc là nhà tư bản... ta chưa biết làm người ? chưa biết yêu ? Mặc dù, đã lâu rồi, ta biết ngẩn ngơ : Mình với ta tuy hai mà một.
Ngày nay, không có nhân tình, không có đạo làm người, dù mù mờ, khả năng trước mắt của nhân loại là một loại dân chủ Athènes mức toàn cầu, trong đó một thiểu số thực sự tự do và bình đẳng với nhau trên cơ sở sự lệ thuộc có thể đẫm máu của đại bộ phận nhân loại. Phải chăng ta chủ quan mơ mộng khi ta không chấp nhận điều đó, không muốn nó xẩy ra. Chỉ vì, khi lỡ yêu, ta hiểu tư duy, ngôn ngữ, văn chương, nghệ thuật có được vì, bất chấp mọi sự khác biệt giữa người với người, bất chấp thị trường, bất chấp lôgíc hình thức, ta vẫn mải tìm con người tự do và bình đẳng với ta ? Chỉ vì, hơn cả tiền vốn, khoa học, kỹ thuật, ta cần chính trị, văn chương, nghệ thuật, để làm người, ta cần người để ta chấp nhận được chính ta, để ta trở thành ta ? Chỉ vì ta cần em ?
Lố bịch ! Vô lý ! Hữu tình ! Thơ ! Thiền !
Trần Đạo
9-1992
[1] Nguyễn Huy Thiệp
[2] Idée d'une histoire universelle au point de vue cosmopolitique. Suy nghĩ về lịch sử trên quan điểm vũ trụ.
[3] Qu'estỞce la liberté, Tự do là gì, in Crise de la culture, Hannah Arendt, Folio, Gallimard
[4] Encyclopédia Universalis, mục cens, trong nghĩa cens électoral.
[5] Encyclopédia Universalis, mục Emploi.
[6] Encyclopédia Universalis, mục Commune de Paris.
[7] Trong triết học và kinh tế học kinh viện, người ta phân biệt sở hữu và tư hữu (propriété, appropriation, và propriété privée, appropriation privée). Sở hữu là quan hệ tự nhiên giữa người với thiên nhiên : vũ trụ là sở hữu của loài người, loài người khai thác vũ trụ để sống. Tư hữu là một hình thái đặc biệt (tùy thời đại) của quan hệ giữa người với người xuyên qua tự nhiên : cái gì của tôi không là của anh, thí dụ, nước mưa là sở hữu của mọi người, nước suối Évian thuộc quyền tư hữu của ông X. Trong tư hữu, người ta lại phân biệt tư hữu về đồ tiêu dùng (nhà ở, cơm áo...) cho phép chủ nó tiêu thụ để sống (trong nghĩa đó nó là một hình thái của sở hữu) với tư hữu phương tiện sản xuất cho phép sản xuất, cho phép xã hội và thành viên của nó tồn tại. Trong bài này, tư hữu dùng trong nghĩa tư hữu phương tiện sản xuất.
[8] Một con người cấu tạo bằng toàn bộ nhân loại, đồng giá với mọi người, và bất cứ ai cũng bằng mình. J.P. Sartre, Les mots.
[9] nhà Cha tôi có nhiều tổ ấm cho con người lưu trú.