Nếu văn hoá của nhân loại có thể ví như một cái rừng, thì đối thoại trong một ngôn ngữ ví như cây cổ thụ, rễ bám sâu vào lòng đất, xuyên các thời đại, sừng sững trước giông bão, không ngừng đâm cành, trổi lá, nở hoa. Vì đối thoại là hình thái vận động của ngôn ngữ, vì ngôn ngữ là gốc gác của con người. Ta trở thành người Việt, chủ yếu qua tiếng Việt. Tiếng Việt trở thành tiếng Việt, chủ yếu qua chúng ta. Hàng ngày, ta tái tạo tiếng nói, linh hồn của cha ông, từ những lời bập bẹ thuở hoang sơ tới những ước mơ vô tận của loài người, để trao lại cho người Việt của mai sau.
Ðương nhiên, những hình ảnh cụ thể trên chỉ đúng một nửa, nửa khách quan trong ngôn ngữ, trong đối thoại. Con người đối thoại với nhau về mọi vấn đề. Ðối tượng của đối thoại có thể có khía cạnh khách quan, độc lập với trí tưởng tượng của ta. Lãnh vực này không có giới hạn. Tinh thần đối thoại thể hiện tinh thân chung sống của một cộng đồng người, thể hiện nhân cách trong một nền văn hoá. Lãnh vực này có giới hạn : ta còn coi nhau là người hay không ? Gốc gác của con người, về mọi mặt, bắt rễ ở đó.
1. Ðối thoại, nguồn gốc của tư duy
Ta suy nghĩ bằng ngôn ngữ. Những tình ý không thể hiện được bằng ngôn ngữ thuộc thế giới riêng từng người, không bao giờ truyền lại được cho ai, không thuộc phạm vi đối thoại. Ngược lại, bất cứ gì đã hiện thực qua tiếng Việt đều biến thành của chung của người Việt, từ thế hệ này qua thế hệ khác, và do đó, sẽ biến đổi, tàn lụi hay tái sinh với người Việt. Vì thế, đối thoại vừa là nguồn gốc của tư duy, vừa là phương tiện để bảo tồn và phát triển nó. Muốn thành người, muốn bảo vệ và phát triển nhân cách, phải học làm người, học đối thoại.
2. Ðối thoại, cơ sở và phương tiện của khoa học
Ta có thể đối thoại với nhau về một sự vật, một sự kiện. Mỗi cá nhân có một cảm nhận khác nhau về sự vật, sự kiện ấy, do ngàn lý do : họ quan sát sự vật, sự kiện ấy từ những góc độ khác nhau, với những phương tiện khác nhau, với kiến thức, tri thức khác nhau, v.v. Khi sự vật hay sự kiện có hình thái tồn tại độc lập với con người, ta có thể, qua thử nghiệm, xác định quy luật hình thành và vận động của chúng, tạo cho những quy luật ấy một hình thái tồn tại trong ngôn ngữ của chúng ta, để truyền lại cho người khác. Qua đó, đối thoại vừa là cơ sở của khoa học, trong nghĩa khả năng trừu tượng hoá một cách thống nhất, phi thời gian, (ai cũng hiểu như ai), vừa là phương tiện cơ ban để lưu truyền và phát huy kiến thức khoa học.
3. Ðối thoại, nền tảng của đạo làm người
Ta cũng có thể đối thoại với nhau về thân phận làm người, về những quan hệ xã hội. Trong lãnh vực này, nội dung của đối thoại không có hình thái tồn tại độc lập với con người, không thể lôi ra thể nghiệm, vì nó là ta, là người, là chúng ta. Trong lãnh vực này, nội dung cơ bản nhất của đối thoại là tinh thần đối thoại, thể hiện nhu cầu, ý chí, ước ao, cùng làm người. Vì không ai có thể nên người một cách riêng lẻ, đối thoại là nền tảng của đạo làm người.
4. Ðối thoại, con đường nhập nhân loại
Việt Nam không thể tồn tại như một ốc đảo cắt rời với thế giới. Người Việt, để thành người của thời đại này và mai sau, phải đối thoại với nhân loại. Người Việt sống ở hải ngoại thực hiện điều ấy hàng ngày qua cuộc sống của mình. Ðó là một cái vốn nên nuôi dưỡng, khai thác, phát triển.
5. Hãy...
Như thế, đối thoại là nguồn gốc của nhân tính, là nền tảng của kiến thức, là tương lai của nhân cách. Nó là văn minh, một hiện thực không tự nhiên, thuần nhân tính, sáng tác trìu mến của con người tự do.
Con đường vào nhân giới, con đường tới khoa học, con đường tiếp thu và sáng tạo đạo đức, văn học, nghệ thuật, con đường nhập nhân loại, tóm lại con đường giúp ta trở thành ta, với đầy đủ kích thước lịch sử, kích thước thời đại, kích thước tương lai của con người, con đường ta đón nhận nhân loại làm ta, và trả lại chính ta cho nhân loại, con đường làm người tự do, là con đường Ðối Thoại.
Quá khứ phức tạp, đau thương của người Việt có thể trở thành vốn khổng lồ để phát huy trí tuệ toàn diện của chúng ta, xuyên qua đối thoại. Hãy thử khai thác cái vốn ấy để nuôi đời, sáng tạo tương lai. Hãy bắt đầu, cùng nhau, học đối thoại.
Trần Đạo
11-1993